Siêu thị vốn ngoại tăng mạnh
Theo Sở Công thương TP.HCM, nếu như giai đoạn trước đây, số lượng siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng không đáng kể trong hệ thống siêu thị toàn thành phố thì hiện nay, tỷ trọng này đang có xu hướng tăng mạnh.
|
Các đơn vị phân phối hiện đại Việt Nam phải đối mặt với cuộc chiến không cân sức do năng lực tài chính hạn hẹp |
Theo số liệu thống kê, siêu thị ngoại chiếm khoảng 21% toàn hệ thống và chiếm khoảng 40% siêu thị tổng hợp trên địa bàn thành phố. Xu hướng này đang tăng và sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới do Việt Nam đang đẩy mạnh thực thi các cam kết hội nhập.
Thông qua nhiều phương thức như mua bán, sáp nhập, liên doanh, liên kết, đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI, siêu thị ngoại đã thâm nhập thị trường bán lẻ TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Cụ thể như Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) mua lại 49% cổ phần hệ thống siêu thị Citimart và đổi tên thành AEONCitimart; 30% cổ phần chuỗi cửa hàng tiện lợi Fivimart. Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) mua lại 70% cổ phần Trung tâm thương mại Diamond Plaza. Tập đoàn bán lẻ Berli Jucker Plc (Thái Lan) mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam); chuỗi Family Mart và đổi tên thành B’smart. Tập đoàn bán lẻ Central Group mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và Giải pháp mới NKT - đơn vị sở hữu 100% Công ty Thương mại Nguyễn Kim; hệ thống Big C Việt Nam.
Hiện nay, ngoại trừ một số đơn vị bán lẻ trong nước (Saigon Co.op, Satra, Vingroup...) có quy mô hệ thống tương đối lớn thì phần lớn các đơn vị trong nước còn lại vẫn hoạt động nhỏ lẻ (quy mô 1 - 2 siêu thị). Nhìn chung, đặc điểm của các siêu thị trong nước là số lượng đơn vị nhiều, chênh lệch quy mô lớn, nguồn lực hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, non kinh nghiệm quản lý điều hành.
Đồng thời, do vai trò của Hiệp hội bán lẻ thành phố chưa được phát huy nên các DN bán lẻ chưa tìm được tiếng nói chung, chưa quan tâm đúng mức đến việc thành lập các trung tâm phân phối hàng hóa và hình thành chuỗi cung ứng. Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự yếu kém của các hệ thống bán lẻ trong nước so với hệ thống có yếu tố nước ngoài.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cũng nhìn nhận, sự xuất hiện các hệ thống phân phối nước ngoài đã giới thiệu những phương thức thương mại hiện đại, chuyên nghiệp cùng những công nghệ, kinh nghiệm và kỹ năng quản lý hiện đại, góp phần nâng cấp hạ tầng thương mại nội địa.
Đồng thời, sự tham gia các DN nước ngoài đã tạo nên áp lực, cũng như cú hích mạnh mẽ thúc đẩy các đơn vị phân phối trong nước phải năng động để cạnh tranh tồn tại và phát triển. Hệ thống phân phối nước ngoài cũng tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập vào các nước.
Chiếm ưu thế nhưng phải đổi mới
Theo thống kê của ngành thương mại, đến nay, TP.HCM có 207 siêu thị, (tăng 18 so với cuối năm 2016), 43 trung tâm thương mại (tăng 3 so với thời điểm cuối năm trước). Ngoài ra, còn có 1.100 cửa hàng tiện lợi, tăng 218 cửa hàng so với cuối năm 2016. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nhìn chung, các DN trong nước vẫn đang chiếm ưu thế về số lượng điểm bán đối với loại hình siêu thị và cửa hàng tiện lợi với tỷ trọng lần lượt là 79% và khoảng 70%.
Tuy vậy, theo nhận định của Sở Công thương, các đơn vị phân phối hiện đại Việt Nam phải đối mặt với cuộc chiến không cân sức do năng lực tài chính hạn hẹp, thiếu tính chuyên nghiệp, hạn chế về sức mua và các mối quan hệ, cơ sở hạ tầng nhất là hệ thống công nghệ thông tin, logistics yếu và thiếu, bị cạnh tranh quyết liệt trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hơn thế nữa các đơn vị phân phối hiện đại Việt Nam thường không đủ điều kiện và khả năng thực thi những chiến lược mang tính dài hạn, đặc biệt tính liên kết không cao, tầm nhìn hạn chế. Chính vì vậy, các tập đoàn phân phối nước ngoài lần lượt thâu tóm các hệ thống phân phối hiện đại trong nước.
Đánh giá về sức mạnh của các DN nước ngoài, lãnh đạo Sở Công thương cho rằng các tập đoàn phân phối nước ngoài luôn có chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững, nên khi phát triển các cơ sở bán lẻ sẽ kéo theo hàng hóa tại chính quốc gia vào thị trường bản địa và tạo ra đặc trưng riêng thu hút khách hàng. Ví dụ: hệ thồng siêu thị Lotte, Emart bán hàng hóa Hàn Quốc; hệ thống Aeon bán hàng hoá xuất xứ Nhật Bản...
Để phát triển DN bán lẻ trong nước, ngành công thương TP.HCM đề nghị các DN khai thác mở rộng thị trường, kết nối hai chiều, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ; đưa hàng hóa của DN các tỉnh, thành vào hệ thống phân phối TP.HCM. Bên cạnh đó, các ngành chức năng nghiên cứu và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư hệ thống logistics để phục vụ cơ sở hạ tầng bán lẻ cho thành phố.
“Nếu không nhận rõ tình hình và không có những giải pháp thích hợp, hiệu quả thì khả năng các DN nước ngoài chiếm lĩnh hệ thống phân phối và thị trường nội địa là rất lớn. Các DN Việt, nhất là các DNNVV, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm”, lãnh đạo Sở Công thương TP. HCM nhận định.
Theo TBNH