Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Ngành gỗ thêm mối lo

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Ngành gỗ thêm mối lo

Với gói đánh thuế của Mỹ lên đến 200 tỉ USD, trong đó mặt hàng đồ gỗ phải chịu thuế 10%, mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam.


Nhiều cơ hội

Sáu tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 4,1 tỉ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến cả năm ngành gỗ có thể xuất khẩu đạt 9 tỉ USD (năm 2017 ngành gỗ xuất khẩu đạt 8 tỉ USD).

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, giá trị xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ hiện nay vẫn có sự tăng trưởng khá, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm nay, tương đương trên 4,3 tỷ USD. Đến thời điểm này, những tín hiệu xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn ổn định và các doanh nghiệp xuất khẩu đã ký các đơn hàng cho năm nay. 

Còn theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, Trung Quốc với khoảng 5.500 nhà sản xuất, giá trị sản xuất ngành đồ gỗ của Trung Quốc đạt 125 tỉ USD/năm, trong đó đồ gỗ chiếm 64% sản lượng. Trung Quốc bị ảnh hưởng bất lợi bởi cuộc chiến thương mại thì cơ hội sẽ san sẻ cho các nước khác, trong đó có Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu các loại ván nhân tạo từ Trung Quốc như vơ-nia, ván dăm, ván ép, ván sợi với kim ngạch khoảng 250.000-300.000 USD. Nếu nhu cầu sản xuất ở Trung Quốc giảm thì nguồn nguyên liệu và ván nhân tạo xuất sang Việt Nam có khả năng tăng với giá cả dễ chịu hơn.

Lắm nỗi lo

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với gói đánh thuế mới đây của Mỹ lên đến 200 tỉ USD, trong đó mặt hàng đồ gỗ phải chịu thuế 10%, mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam.

Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Đồ gỗ nội thất Bình Dương kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty đồ gỗ nội thất Hiệp Long, trước mắt, xung đột và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa thể gây nên tác động tức thời tới các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và ngành đồ gỗ nội thất của Bình Dương nói riêng.

Tuy nhiên, tiên liệu cho tương lai của ngành đồ gỗ xuất khẩu sẽ là rất khó khăn, nhất là với những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Tới đây, các cơ quan hải quan và những đơn vị chịu trách nhiệm xác nhận nguồn gốc, xuất xứ sẽ có nhiều việc phải làm.

Điều đáng lo ngại có thể nhìn thấy rõ là tới đây, sẽ có xu hướng các nhà sản xuất đồ gỗ nội thất Trung Quốc "tràn" sang Việt Nam; đầu tư, xây dựng và lắp đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Hay Trung Quốc dịch chuyển xí nghiệp sản xuất sang nhằm tranh thủ thị trường Việt Nam để có chứng nhận xuất xứ mới cho sản phẩm. Đồng thời, hưởng các ưu đãi từ những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới; cộng thêm lợi thế về chi phí lương nhân công giá rẻ...

Điều này sẽ gia tăng áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trong nước từ áp lực cạnh tranh về thị trường, áp lực về thu hút lao động.... Ngoài ra, ông Huỳnh Quang Thanh cũng quan ngại khi xuất khẩu đồ gỗ từ Việt Nam sang Mỹ sẽ gia tăng đột biến với sự tham gia đông đảo của các nhà sản xuất đồ gỗ Trung Quốc có thể gây "tổn thương" tới các nhà sản xuất đồ gỗ tại Mỹ.

“Nếu trước đây, doanh thu xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ chỉ từ 3-5% mà tới đây tăng lên từ 15-20% thì chắc chắn sẽ khiến Chính phủ Hoa Kỳ xem xét tới mặt hàng này và nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá với đồ gỗ là khó tránh khỏi. Đó thực sự là khó khăn lớn đối với các nhà sản xuất đồ gỗ của Việt Nam.”, ông Thanh bày tỏ.

Theo ông Thanh, từ trước tới nay, phía Trung Quốc đã bị áp thuế loại này đối với các sản phẩm đồ gỗ nội thất tại nước của họ. Nếu giờ họ dịch chuyển sang Việt Nam để thay đổi xuất xứ hàng hóa nhằm xuất khẩu sang Mỹ thì ngành đồ gỗ nội thất của Việt Nam sẽ gặp quá nhiều bất lợi.

Ông Thanh cho biết, đơn vị đã có nhiều khuyến cáo tới các doanh nghiệp thành viên trong hiệp hội, cần lưu tâm theo dõi sát sao diễn biến và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Cùng đó, tập trung nâng cao trình độ sản xuất, trình độ quản trị doanh nghiệp và đầu tư, hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị máy móc nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình. 

Theo enternews

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang