Vươn lên đứng đầu XK nông lâm, thủy sản

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), lũy kế nửa đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu (XK) lâm sản chính ước đạt trên 4,3 tỷ USD (trong đó gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt trên 4,1 tỷ USD), tăng 12,7% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 22,3% tổng giá trị kim ngạch XK toàn ngành.

c5fea90478cb9194822e593ec0ad99f4_go1.jpg

Đáng chú ý, giá trị xuất siêu lâm sản chính đạt tới hơn 3,2 tỷ USD, cao nhất trong số các mặt hàng XK nông sản chủ lực. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu (NK) gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam nửa đầu năm, chiếm 78,2% tổng giá trị XK.

Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, thời gian qua, công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh với sự tham gia của khoảng 3.500 DN, chủ yếu là DN dân doanh và DN FDI. Sản phẩm chế biến ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng yêu cầu mở rộng, thâm nhập vào các thị trường nước ngoài. Đến nay, đồ gỗ Việt Nam đã xuất sang trên 100 nước và vùng lãnh thổ.

Năm nay, ngành lâm nghiệp xác định phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 6,0 – 6,5%; giá trị XK lâm sản đạt 9 tỷ USD và tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%.

Đa dạng hóa nguồn nguyên liệu

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị nhận định: Dù có đà tăng trưởng tốt, xong XK nửa cuối năm cũng phải đối diện với những khó khăn nhất định bởi thị trường các nước biến động thường xuyên. Bên cạnh đó, khó khăn còn đến từ nguồn nguyên liệu. Hiện, trong NK nguyên liệu, nhiều DN chưa phân loại được những vùng rủi ro để tránh và những vùng ít rủi ro để NK.

Xuất phát từ câu chuyện NK gỗ nguyên liệu của Việt Nam, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đưa ra phân tích: Lũy kế NK gỗ 6 tháng đầu năm đạt 1,08 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 5 tháng đầu năm, NK gỗ có nguồn gốc hợp pháp tại một số thị trường như Hoa Kỳ, Đức, Pháp tiếp tục tăng trưởng, lần lượt tăng 11,6%, 14,8% và 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, NK gỗ tại một số thị trường giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước gồm Campuchia đạt 65,4 triệu USD (giảm 49%); Malaysia đạt 35 triệu USD (giảm 12,7%).

Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các DN Trung Quốc đẩy mạnh thu mua gỗ nguyên liệu tại các nước lân cận do thiếu hụt gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến trong nước. Đồng thời, Campuchia, Lào, Myanmar cũng tiếp tục thắt chặt XK gỗ thông qua chính sách cấm XK gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng.

“Chúng tôi khuyến cáo các DN phải sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp. Trong tương lai lâu dài sẽ xây dựng những khu rừng gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ, có sự liên kết chuỗi giữa người trồng rừng với công ty chế biến thì tin tưởng rằng giá trị XK sẽ còn tăng hơn”, ông Trị nói.

Trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam khi nguyên liệu gỗ vẫn là bài toán khó khăn, một số chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, Việt Nam cần tiếp tục duy trì và đa dạng hóa nguồn gỗ NK, tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các thị trường ít rủi ro.

Thêm vào đó, ngành gỗ Việt cần có bước chuẩn bị để thích ứng với những thay đổi trong XK vào thị trường Hoa Kỳ. Nói như ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thì ngoài sự nỗ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước, phía các DN cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong chế biến gỗ nhằm tăng năng suất sử dụng gỗ nguyên liệu, hạn chế tối đa mức tiêu hao.

Theo Báo điện tử Chính Phủ

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang