Phó Thủ tướng cho rằng bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp là áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa… để tối ưu hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân.
Phát biểu trao đổi tại Diễn đàn, nhiều nông dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đặt vấn đề về sự khác nhau gì giữa nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp 4.0; khả năng của Việt Nam trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để làm nông nghiệp 4.0; và nếu làm được thì làm thế nào cho hiệu quả.
Toàn cảnh Diễn đàn “Nông dân sẵn sàng với nông nghiệp 4.0”.
Theo các chuyên gia, nông nghiệp Việt Nam thời gian qua đã có sự tăng trưởng vượt bậc: Giá trị sản xuất và giá trị gia tăng đã tăng liên tục trong thời gian dài; sản lượng hàng hóa đang ngày càng lớn, xuất khẩu tăng trưởng cao, thu nhập và đời sống của người nông dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn theo chiều rộng. Việc ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối tạo ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn rất ít.
Theo bà Nguyễn Thị Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ NN&PTNT, nông nghiệp 4.0, thuật ngữ được sử dụng đầu tiên tại Đức. Tương tự với “Công nghiệp 4.0”, “Nông nghiệp 4.0” ở châu Âu được hiểu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị (có thể hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp).
Nghĩa là thông tin ở dạng số hóa dành cho tất cả các đối tác và các quá trình sản xuất, giao dịch với các đối tác bên ngoài đơn vị như các nhà cung cấp và khách hàng tiêu thụ được truyền dữ liệu, xử lý, phân tích dữ liệu phần lớn tự động qua mạng internet. Sử dụng các thiết bị internet có thể tạo điều kiện quản lý lượng lớn dữ liệu và kết nối nội bộ với các đối tác bên ngoài đơn vị.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bộ, nguyên Viện trưởng Viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng đối với cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, phải có 3 điều kiện cần và 1 điều kiện đủ. Theo đó, cần có hành lang pháp lý phục vụ cho người sản xuất chứ không phải cho người quản lý; cơ sở hạ tầng phải tương thích với trình độ người sản xuất; cơ sở dữ liệu phù hợp ngành hàng và thị trường. Một điều kiện đủ đó là người sản xuất và doanh nghiệp phải dũng cảm và có tâm huyết trong lĩnh vực nông nghiệp.