Người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa tại siêu thị Hapro. Ảnh: Anh Tuấn
Hạn chế về nguồn lực
Cả nước hiện có khoảng 8.660 chợ, 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại các loại và khoảng hơn 1 triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình. Trong đó, kênh bán lẻ hiện đại mới đáp ứng được 25% nhu cầu của người dân, 75% còn lại phụ thuộc vào kênh phân phối truyền thống. Dự báo, đến năm 2020, thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên và đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng. Đây là cơ hội lớn, nhưng cũng là thách thức của các nhà bán lẻ trong nước trước cuộc cạnh tranh không cân sức với các doanh nghiệp "ngoại" đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam.
Đánh giá của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho thấy, năm 2017 thị trường bán lẻ đã có bước phát triển rất tốt, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.934,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9%, cao hơn mức tăng 8,3% của năm trước. Đây là mức tăng trưởng đáng khích lệ và nối tiếp đà tăng trưởng tốt của 2-3 năm gần đây. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam nhận định, các nhà bán lẻ “nội” đã nỗ lực và không thua kém trong cuộc đua thị phần hiện nay. Nhiều doanh nghiệp đã nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển mở rộng mạng lưới, đồng thời hướng đến phát triển bán lẻ trực tuyến với nhiều hình thức phong phú, điển hình là hệ thống Vinmart, Hapro, Co.op mart,…
Tuy nhiên, ngoài một số doanh nghiệp lớn đang phát triển mạnh, thì phần lớn doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn yếu về vốn, quy mô nhỏ, khả năng quản trị thiếu chuyên nghiệp khiến cho sức cạnh tranh đã đuối lại càng thêm đuối. Trong khi đó, những nhà đầu tư "ngoại" có thế mạnh về vốn, công nghệ kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và chuỗi thu mua phân phối toàn cầu; kế hoạch đầu tư bài bản dưới nhiều hình thức đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường này với 53% thị phần.
Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp
Để bắt kịp với xu thế tiêu dùng của thời đại công nghệ, các nhà bán lẻ đã chú ý nhiều hơn đến việc tận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới. Tuy nhiên, các bước phát triển của thị trường dường như chưa đạt được kỳ vọng của người tiêu dùng và cần có sự thay đổi.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn khẳng định, để cạnh tranh với hàng ngoại nhập và có chỗ đứng bền vững trên thị trường, đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất trong nước phải nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành. Về phía các doanh nghiệp bán lẻ, cần xây dựng được sản phẩm bán lẻ với dịch vụ cung ứng chất lượng cao, đầu tư vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị bán lẻ, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới; nhanh chóng tạo lập, phát triển hệ thống chuỗi, đại lý ở các địa phương; kết nối với các nhà cung cấp và trở thành nhà phân phối cho nhiều nhà sản xuất nhằm tạo kênh hàng hóa phục vụ cao nhất cho nhu cầu xuất khẩu và thị trường trong nước. Xây dựng thương hiệu và tham gia mạnh mẽ vào các mô hình bán hàng thông qua thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến trên truyền hình, điện thoại… Hiện nay, Hapro chủ trương phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích bám theo khu vực dân cư và tiếp tục phát triển thương hiệu Hapro ra các khu vực dân cư mới, khu vực ngoại thành; tập trung phát triển thị trường nông thôn, coi đây là khu vực thị trường chiến lược trong thời gian tới...
Tương tự, theo Saigon Co.op, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, mỗi doanh nghiệp phải chọn cách đi riêng để tồn tại. Saigon Co.op xác định tiếp tục mở rộng hệ thống Co.opmart, Co.opFood với quy mô vừa; tiếp tục liên doanh với các đối tác để triển khai những mô hình lớn như đại siêu thị Co.op Xtra, khu phức hợp Vivo City...
TP Hà Nội đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn; tăng cường công tác xã hội hóa đầu tư, quản lý chợ nhằm mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa cho doanh nghiệp...; phối hợp với các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ và tăng cường thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ logistic trên địa bàn. Sở Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng. Cùng với đó là triển khai các khóa đào tạo, lớp tập huấn phổ biến kiến thức cho doanh nghiệp kỹ năng quản lý, bán hàng, phát triển thương hiệu, ứng dụng công nghệ mới... để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.
Theo HNO