Tràn ngập iPhone 1 triệu đồng trên các website thương mại

Tràn ngập iPhone 1 triệu đồng trên các website thương mại

Các trang thương mại điện tử như Sendo, Shopee... đang rầm rộ rao bán điện thoại iPhone chỉ hơn 1 triệu đồng/chiếc, cam kết hàng chính hãng. Tuy nhiên, liệu đây có phải là hàng thật?

 


Cụ thể, các loại iPhone 4S chỉ có giá từ 1-1,5 triệu đồng/chiếc, iPhone 5C giá 1,8 triệu đồng/chiếc, iPhone 5 giá 1,9-2 triệu đồng/chiếc, iPhone 5S dao động từ 2-3 triệu đồng/chiếc...

sendo2-1519790449076-13-23-619-1101-crop-1519790473901.jpg

Các loại iPhone 4, 5 đang được rao bán với giá rẻ trên thị trường Hà Nội hiện nay đa phần đều là hàng dựng.

Tương tự, trên trang thương mại điện tử Shopee, các loại iPhone 4S, iPhone 5, 5C, 5S cũng được rao bán từ 2-3 triệu đồng/chiếc.

Trao đổi với phóng viên, chủ một gian hàng bán điện thoại iPhone trên Sendo cho biết, đây đều là các loại iPhone đã lỗi mốt, không phải hàng mới nguyên hộp mà chỉ mới 99%. 

Tuy nhiên, chủ gian hàng khẳng định đây là hàng chính hãng Apple, người mua có thể kiểm tra dựa vào IMEI có trong máy. 

"Iphone mới ra đời thì chỉ vài tháng sau đã bán hết sạch rồi, nên giờ làm gì còn iPhone 4, 5 đập hộp nữa. Mới 99% là mới lắm rồi. Hàng lỗi mốt nên mới có giá rẻ như thế, chứ iPhone mới ra toàn 20-30 triệu", chủ gian hàng cho biết.

Trước câu hỏi liệu đây có phải là hàng Trung Quốc giả mạo không, chủ gian hàng khẳng định chắc nịch: "Đây là hàng chính hãng, không phải hàng giả, hàng nhái".

Chia sẻ về nguồn gốc của những chiếc iPhone được quảng cáo là mới 99%, chỉ có giá 1 triệu đồng, anh Nguyễn Mạnh Thắng, một người buôn bán điện thoại lâu năm trên phố Lãng Yên (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, cách đây 2 năm anh cũng từng bán loại điện thoại này.

"Nhưng thời điểm đó, iPhone 4S có giá 3 triệu đồng, còn iPhone 5, 5S có giá hơn 5 triệu đồng/chiếc. Đến bây giờ thì xuống giá có 1-2 triệu đồng/chiếc cũng là dễ hiểu", anh Thắng nói.

Theo anh Thắng, các loại iPhone này được phân ra làm nhiều loại như máy cũ, là máy đã qua sử dụng, được các cửa hàng điện thoại mua lại, sau đó bán cho người khác để kiếm lời. 

Một loại khác là máy trưng bày, sau khi cho khách hàng trải nghiệm thử sản phẩm thì thanh lý lại với giá rẻ. Tuy nhiên với các dòng iPhone 4, 5 thì đến nay sẽ không còn, hoặc còn rất ít loại này.

Và cuối cùng là máy dựng, phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Bản chất iPhone dựng là các loại máy cũ hoặc các loại máy đã hỏng một số linh kiện, được các thương lái Trung Quốc thu mua từ các nước, sau đó tiến hành phân loại, sửa chữa, thay thế, đóng thành máy mới 99% và xuất sang thị trường các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. 

"Nếu kiểm tra IMEI có trong máy thì đây thực sự là hàng chính hãng, tuy nhiên linh kiện bên trong có chính hãng hay không thì chỉ có những người am hiểu mới rõ", anh Thắng cho biết.

Cũng theo anh Thắng, các loại iPhone 4, 5 đang được rao bán với giá rẻ trên thị trường Hà Nội hiện nay đa phần đều là hàng dựng.

Có giá rẻ song anh Thắng khẳng định chất lượng của các loại máy này sẽ không đảm bảo, kể cả khi cửa hàng cam kết bảo hàng từ 3-6 tháng cho người mua. 

"Không nên ham rẻ mà mua các loại máy này. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại điện thoại có giá tương đương, lại là máy mới 100%, chất lượng tốt hơn rất nhiều. Với các loại máy iPhone dựng, thông thường chỉ sử dụng được không quá 1 năm", anh Thắng nhận định.

Trở lại câu chuyện mua hàng online, vốn dĩ từ trước đến nay vẫn luôn tồn tại nhiều vấn đề mà nóng nhất là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và làm sao để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Không thể phủ nhận sự tiện lợi khi mua hàng thông qua các trang thương mại điện tử, nhưng cùng với đó là vấn đề kiểm soát chất lượng hàng hóa vẫn đang được đặt ra.

Đặc biệt, với cách thức đăng ký gian hàng tương đối đơn giản trên một số trang thương mại điện tử sẽ càng khó để phân loại hàng thật, hàng giả. 

Theo đó, chỉ cần vài cú nhấp chuột, gõ một vài thông tin như địa chỉ email, số điện thoại, tên shop... là người bán dễ dàng có được một gian hàng online để bán. 

Tất nhiên, có vài điều khoản đi kèm như cam kết chất lượng sản phẩm bán ra, tự chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai sót, khiếu nại... song đó chỉ là quy định để giảm rủi ro cho đơn vị trung gian.

"Bán hàng chuyên nghiệp là phải chứng minh được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm của mình. Và động tác này phải được thực hiện ngay từ khi người ta đăng ký gian hàng, các đơn vị trung gian phải đóng vai trò là người kiểm tra, giám sát chứ không phải khi xảy ra khiếu nại mới yêu cầu người bán chứng minh nguồn gốc của sản phẩm. Làm như vậy có nghĩa là đã đẩy rủi ro về phía khách hàng", một chuyên gia kinh tế nhận định.

Theo VnEconomy

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang