Doanh nghiệp Việt cần chú trọng xây dựng thương hiệu, nắm bắt thị trường

Doanh nghiệp Việt cần chú trọng xây dựng thương hiệu, nắm bắt thị trường

Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị Tham tán thương mại 2018 nhằm đối thoại với địa phương và DN khu vực phía Nam. Vấn đề đặt ra là DN cần chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao và chủ động nắm bắt thị trường.


Tại hội nghị, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về chất lượng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, lo lắng về việc thiếu thông tin thị trường và đối tác xuất khẩu của DN Việt. Lãnh đạo nhiều địa phương mong muốn Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài dự báo tốt về xu hướng thị trường, thông tin kịp thời các chính sách mới, rào cản thương mại để DN chủ động phát triển cho phù hợp với yêu cầu của nhà nhập khẩu.

IMG_2828.JPG

Sản xuất tại Công ty TNHH thương mại Thoại An (TP Hồ Chí Minh).

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, năm 2017 có thể nói là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên xuất khẩu Việt Nam vượt mốc 213,7 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016. Trong đó có thêm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đưa số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD lên 29 mặt hàng; 20 mặt hàng xuất khẩu trên 2 tỷ USD; 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD. 

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ thị trường Âu Mỹ thông tin, xuất khẩu ở thị trường châu Á chiếm 24%, thị trường châu Âu chiếm 19%,… Hoạt động xuất khẩu ở một số thị trường khác cũng cải thiện đáng kể.

Hầu hết DN nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu truyền thống, thâm nhập thị trường khó tính bằng sản lượng và chất lượng để phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy vậy dù đẩy mạnh phát triển thị trường các nước song sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ mới tập trung vào số lượng, chưa chú trọng chất lượng.

Theo lãnh đạo các địa phương khu vực phía Nam, xuất khẩu đang cố gắng thâm nhập thị trường các nước, song vấn đề chất lượng, xây dựng thương hiệu cần được chú ý nhiều hơn vì hàng hóa vẫn bị cảnh báo về thuốc kháng sinh và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tập trung xây dựng thương hiệu ngay từ đầu để sản phẩm có ấn tượng tốt với người tiêu dùng các nước. Theo đó, yêu cầu đặt ra với hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, áp dụng phương pháp sản xuất sạch hơn, sản xuất theo chuỗ; chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng xuất khẩu, đăng ký bảo vệ thương hiệu, cung cấp sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có xuất xứ không chú trọng vào hàng giá thấp, chất lượng thấp.

Bên cạnh chất lượng sản phẩm chưa thật sự đạt yêu cầu, việc nắm bắt thông tin thị trường của ĐN xuất khẩu còn nhiều hạn chế. DN vẫn gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu ở cả thị trường truyền thống lẫn thị trường mới thâm nhập. 
Tham tán các nước cho rằng, DN cần thận trọng khi ký hợp đồng với đối tác. Không ký hợp đồng với những đối tác mời chào qua mạng, đọc kỹ điều khoản trước khi ký hợp đồng. Về việc DN mong muốn Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tìm hiểu kỹ thông tin đối tác cho DN là không thể vì đó là thông tin bí mật. 

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, các hiệp định thương mại song phương, đa phương đang và sẽ tạo điều kiện tốt nhất để sản phẩm Việt gần gũi với người tiêu dùng quốc tế. Do đó, DN cần xâm nhập thị trường một cách hiệu quả, không nên ồ ạt, hàng hóa sản xuất theo hướng sạch, liên kết theo chuỗi, chú trọng chất lượng và giá cả cạnh tranh chứ không phải xuất khẩu với số lượng nhiều và giá thấp.

Theo KTĐT

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang