Doanh nghiệp cần làm gì để nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập?

Doanh nghiệp cần làm gì để nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập?

Hội nhập sâu rộng là cơ hội để doanh nghiệp vươn ra thị trường thế giới, nhưng ngược lại, cũng là thách thức với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.


Nhiều doanh nghiệp đều cho rằng, muốn tham được chuỗi sản xuất cho thị trường trong nước hay nước ngoài, điều tiên quyết là phải sản xuất một cách chuyên sâu và có tâm, để có được những sản phẩm đạt chất lượng ngang tầm thế giới. 

Ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần M2 Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

So với nhiều doanh nghiệp trong nước như May Thăng Long, May 10…, thì may mặc của M2 chỉ được xem là “cậu em”, thế nhưng đến nay, chuỗi cửa hàng mang thương hiệu Việt của đơn vị này đã có mặt khắp Hà Nội và các tỉnh. M2 đang chuẩn bị thực hiện điểm bán hàng thứ 17 và có thể thêm ít nhất 3 - 4 cửa hàng trong mùa Hè 2018 này. 

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần M2 Việt Nam cho biết, xây dựng thương hiệu là hết sức khó khăn với các doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập.

Trong xã hội bùng nổ thông tin, ngoài lợi thế về quảng bá nhanh thì cạnh tranh càng khó khăn hơn; ngoài cạnh tranh thị trường bán lẻ, offline ra thì còn cạnh tranh việc bán hàng online đang diễn ra rất mạnh. 

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đương đầu với các hãng nước ngoài như Zara, HM, Uniquilo… Người dân Việt Nam mức sống ngày càng tăng lên, do vậy, mong muốn tìm đến những thương hiệu lớn hơn, chất lượng hơn. 

Chính M2, cũng đang muốn xây dựng chất lượng, sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp hơn nữa…Yếu tố đầu tiên doanh nghiệp hướng đến là phải đổi mới và nâng cấp một cách khắt khe về chất lượng sản phẩm. 

“Bất kỳ ngành nghề gì,… để cạnh tranh tốt thì chúng tôi cần rất nhiều nhà cung cấp, M2 muốn phát triển thì các nhà cung cấp cũng phải thay đổi mình, phải làm thật, làm đủ. Các hãng nước ngoài đặt gia công dệt may rất nhiều tại Việt Nam, với chất lượng tốt.

Sản phẩm may mặc tại hệ thống M2 ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nhưng vẫn nhà sản xuất đó, khi sản xuất cho đơn hàng Việt Nam thì lập tức hạ thấp chất lượng xuống. Do vậy, đầu tiên phải thay đổi tư duy của sản xuất; phải khắt khe về chất lượng, giao hàng, tránh tư tưởng làm “ăn bớt”. Doanh nghiệp sản xuất phải chuyên tâm đến sản xuất và làm đúng với lương tâm của sản xuất”, ông Đường nói. 

Còn với doanh nghiệp thương mại, ông Đường cho rằng, vấn đề về đào thải là rất quan trọng. Chuỗi cửa hàng M2 đang siết chặt đầu vào, chất lượng xuất xứ, nguồn gốc, tính cung ứng, và giá cả hợp lý với các đơn vị đối tác cung cấp, đơn vị nào không đạt yêu cầu về chất lượng sẽ kiên quyết thay thế. 

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đoàn Kết, chủ doanh nghiệp sản xuất cơ khí Đoàn Kết cho rằng, chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố tiên quyết trong việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Hiện cơ khí Đoàn Kết đang xuất khẩu chính cho Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia…

Nhưng để nâng cao chất lượng sản phẩm, vươn tới xuất khẩu cho các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản… (những thị trường khó tính hơn), bản thân doanh nghiệp cũng hướng tới đầu tư vào thiết bị, công nghệ và đặc biệt làm chủ trong khâu thiết kế... 

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Hà Nội có trên 2 triệu doanh nghiệp nhưng phần lớn vẫn ở quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh kém; để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, doanh nghiệp không nên lơ là và cần có chiến lược xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp cần chuyển dần cạnh tranh về giá sang phương thức cạnh tranh phi giá như tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, dịch vụ sau bán hàng, các giá trị gia tăng. 

Ông Mạc Quốc Anh cũng cho hay, hiệp hội cũng như bản thân doanh nghiệp trong thời gian tới, cần chủ động hợp tác, xây dựng chuỗi sản xuất, để cố gắng đưa các sản phẩm tiêu dùng nội địa của Việt Nam, với chất lượng tốt tới tay người dân. 

Chia sẻ về kế hoạch của mình, ông Nguyễn Hải Đường cho hay, trong thời gian tới, khâu đầu vào hoàn toàn sẽ được kiểm soát 100% chặt chẽ, kể cả về chất lượng, mẫu mã. Còn về dịch vụ bán hàng cũng sẽ khắt khe dần, để các dịch vụ này hướng đến việc sản phẩm tốt nhưng chăm sóc khách hàng, sau bán… càng ngày càng nâng cấp lên, phát triển một cách bền vững. 

Hiện công ty M2 đã có 2 xưởng sản xuất, nhưng chỉ sản xuất nhỏ lẻ. Để phục vụ hệ thống bán lẻ của mình, dự kiến, M2 sẽ mở nhà máy may tại Tiên Lãng, Hải Phòng, tháng 8/2018 sẽ đi vào hoạt động… Cùng với đó là hướng tới xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài thông qua cửa hàng đại diện tại Moscow (Nga). 

Nhiều doanh nghiệp Việt cũng đều mong muốn, không chỉ là người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, mà trong tương lai, người Việt Nam thích dùng hàng Việt Nam và thế giới thích dùng hàng Việt Nam… Muốn vậy, bản thân doanh nghiệp làm ra sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý, mẫu mã đẹp, để mỗi người tiêu dùng thay đổi nhận thức, yêu và tin dùng hàng Việt. 

Đồng thời, để hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt, đại diện hiệp hội và doanh nghiệp đều cho rằng, cơ quan Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt hoạt động như về vốn, mặt bằng…/. 

Theo Bnews/TTXVN

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang