Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững: Phải đi theo hướng nào?

Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững: Phải đi theo hướng nào?

Trước đây, một doanh nghiệp muốn tạo dựng được thương hiệu thì ngoài chất lượng, giá thành sản phẩm thì điều kiện tạo ra sự khác biệt. Còn hiện tại, bên cạnh những yếu tố trên, muốn phát triển bền vững các yếu tố về xã hội như điều kiện việc làm, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phúc lợi xã hội (lương, thu nhập…) lại đang đóng vai trò quan trọng.


Phát triển song hành với an sinh

Theo số liệu từ Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) tại Hội nghị “Doanh nghiệp thực hiện an sinh xã hội và tăng trưởng xanh” tổ chức mới đây tại Hà Nội cho thấy: Sau khi tiến hành khảo sát 50 doanh nghiệp thuộc hai ngành dệt may và da giày, nhờ thực hiện các chương trình “trách nhiệm xã hội”, trong đó có vấn đề an sinh xã hội mà doanh thu của các doanh nghiệp đã tăng lên 25%, năng suất lao động tăng lên từ 34,3 triệu đồng lên gần 36 triệu đồng/1lao động/1 năm.

 

phai di theo huong nao

Đảm bảo các vấn đề môi trường, nguồn nhân lực, công nghệ…là “chìa khóa” để doanh nghiệp phát triển bền vững

Bên cạnh đó, sau khi thực hiện các vấn đề an sinh xã hội, doanh nghiệp còn tạo dựng được hình ảnh đẹp, thân thiết với khách hàng; tạo sự gắn bó, hài lòng của người lao động về nơi làm việc, đặc biệt là thu hút được nhiều lao động có chất lượng cao.

Bà Chu Thị Tiến, Giám đốc Công ty mạ Tiến Hà chia sẻ, việc doanh nghiệp đề cao trách nhiệm với xã hội, với vấn đề an sinh xã hội không chỉ giúp cho thương hiệu của doanh nghiệp đến gần người tiêu dùng hơn, mà còn tạo ra được môi trường làm việc thân thiện, tích cực với người lao động.

Do đó, đẩy mạnh phương châm làm việc của doanh nghiệp gắn với trách nhiệm an sinh xã hội, là gắn trách nhiệm với cộng đồng. Qua đó, giúp doanh nghiệp khẳng định được vị thế và phát triển một cách bền vững nhất.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua nhiều doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp của nhà nước như hệ thống các ngân hàng, viễn thông, dầu khí, thuốc lá…đã xác định được vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược an sinh xã hội gắn với phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn xác định việc thực hiện an sinh xã hội là sự nghiệp của chính bản thân doanh nghiệp.

Về vấn đề này, ông Bùi Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, trách nhiệm xã hội đã trở thành một trong những yêu cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, nếu doanh nghiệp không tuân thủ trách nhiệm này, sẽ không thể tiếp cận được thị trường trong nước, cũng như vươn tầm ra thế giới và đó không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, mà còn mang lại lợi ích cho cả quốc gia.

Đồng quan điểm với ông Phương, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đánh giá, khi đề cập đến vấn đề trách nhiệm xã hội, tăng trưởng xanh…nhiều doanh nghiệp cho rằng sẽ lại tăng chi phí.

Thế nhưng, doanh nghiệp nên hiểu rằng đây chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, hướng đến sự phát triển bền vững. Bởi lẽ, hiện chúng đã qua thời kỳ cạnh tranh bằng giá cả đơn thuần, sự khác biệt của sản phẩm…mà là thời kỳ phải tạo ra được sự cạnh tranh bền vững nhất. Trong đó, các vấn đề liên quan chủ yếu đến cộng đồng như: Y tế, xã hội, môi trường, nguồn nhân lực…đóng vai trò hết sức quan trọng.

Hành động thay vì chỉ tuyên truyền…

Có thể thấy, trong khi nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phát triển xanh thì có một bộ phận, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân chưa chủ động quan tâm thực hiện tốt công tác này.

Số liệu đưa ra từ Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (Bộ KHĐT) cho thấy, hiện có đến 70% doanh nghiệp chưa biết đến chứng nhận xanh Việt Nam; 51,3% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu; 62% doanh nghiệp không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh; 69,5% doanh nghiệp cho rằng, chi phí chuyển đổi mô hình sản xuất sang sản xuất sản phẩm sạch rất cao; 50% doanh nghiệp thiếu công nghệ và nhân lực để thực hiện tăng trưởng xanh…

Đánh giá của các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vấn đề này là do xuất phát từ thực tế hiện cả nước vẫn còn hơn 97% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đã thế hầu hết các doanh nghiệp còn thiếu nhận thức về nhiệm vụ xã hội, tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh đó là vốn ít, nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển thiếu cả về số lượng, chất lượng và công nghệ thì chưa đủ khả năng tự tiến hành nghiên cứu triển khai hoặc đổi mới...trở thành rào cản để doanh nghiệp tiếp cận với xu hướng phát triển mới.

Ngoài những nguyên nhân trên, một trong những hạn chế khiến doanh nghiệp chưa tiếp cận được với xu hướng phát triển bền vững, phát triển xanh đó chính là các chính sách ban hành còn chậm, không theo kịp mức độ phát triển tiến bộ chung của khoa học, công nghệ, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt. Nhiều chính sách chưa đủ sức thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào tăng trưởng xanh. Đặc biệt, sự hỗ trợ nguồn lực còn hạn chế.

“Mặc dù Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển xanh gắn với việc các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng. Tuy nhiên, để các chính sách đi vào cuộc sống vẫn còn một khoảng cách lớn”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Thế Phương cho hay.

Có thể thấy, việc doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai phát triển xanh hướng đến các lợi ích về môi trường, xã hội, cộng đồng…giờ đây thực sự là một vũ khí chiến lược nhằm nâng cao sự cạnh tranh và tạo sự khác biệt giữa các doanh nghiệp. Qua đó, nâng cao khả năng bảo vệ doanh nghiệp và đưa sản phẩm chiếm lĩnh thị trường tốt hơn.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp phát triển bền vững theo hướng an sinh xã hội và phát triển xanh đòi hỏi nhà nước và doanh nghiệp phải hành động, thay vì chỉ tập trung vào tuyên truyền như hiện nay. Đồng thời, các cơ quan nhà nước cần có chính sách cởi mở hơn để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các chính sách phát triển, qua đó, thay đổi tư duy, nhận thức hướng danh nghiệp đến sự phát triển bền vững.

Theo LĐTĐ

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang