Nhà bán lẻ chạy đua giữ thị phần

Nhà bán lẻ chạy đua giữ thị phần

Không chỉ gia tăng thứ bậc về tốc độ tăng trưởng thị trường, ngành bán lẻ Việt Nam còn được ghi nhận là một trong những thị trường bán lẻ năng động bậc nhất khu vực châu Á với sự xuất hiện khá đông các nhà bán lẻ toàn cầu.


Chính vì áp lực này, không ít các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành bán lẻ nội địa buộc phải "căng" mình tăng tốc chinh phục điểm mở mới, giữ chắc thị phần đã chiếm lĩnh trong bối cảnh cạnh tranh quá khốc liệt như hiện nay.

Nhà bán lẻ chạy Äua giữ thá» phần - Ảnh 1.

Người dân mua sắm tại Co.op Food trên đường Hoàng Văn Thụ, Q. Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thị trường của tăng trưởng nóng

Đạt cột mốc tăng trưởng trên hai con số vào năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam chấp nhận lui một bước trước cơn ảnh hưởng suy thoái kinh tế vào năm 2016, nhưng lại trỗi dậy mạnh mẽ trong năm 2017 để đạt mức ghi nhận về chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu 2017 (GRDI) của Hãng tư vấn A.T.Kearney (Hoa Kỳ) công bố hồi năm ngoái. 

Không chỉ tăng 5 bậc lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng của năm 2017, thị trường bán lẻ Việt Nam còn được "thán phục" khi chỉ đứng sau các thị trường có sức mua siêu lớn từ Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Tiểu Vương quốc Ả-Rập thống nhất (UAE).

Hãng A.T.Kearney cũng không tiếc lời khi ghi nhận sự tăng trưởng rất ấn tượng của thị trường bán lẻ Việt khi vượt qua các thị trường khác cũng "nóng" không kém trong khu vực Đông Nam Á. Khi Việt Nam bỏ xa Indonesia ở vị trí thứ 8 và rất xa so với Thái Lan (vị trí 30), cũng như Philippines (vị trí thứ 18)…

Theo Savills Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã rất chịu khó cập nhật những xu hướng bán lẻ mới trên toàn cầu, cũng như những yếu tố mà nhà đầu tư trong ngành cần cân nhắc để đón đầu làn sóng mới. Các mô hình mà Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), hay Central Group (Thái Lan)… áp dụng tại Việt Nam luôn được các doanh nghiệp nội địa tham quan học hỏi.

Phụ trách truyền thông một doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng việc am hiểu khách hàng, nhất là người tiêu dùng tại Việt Nam, vốn là một điều không dễ dàng. 

Chính vì vậy, theo nhận định của Savills Việt Nam, sân chơi bán lẻ ở Việt Nam không dành cho những ai chỉ chú trọng vào sự màu mỡ của một thị trường đang lên, mà còn là sự kiên định, quyết đoán, nhất là khi các thương hiệu nước ngoài tham gia vào thị trường cũng là một tín hiệu khả quan. 

Bởi sự kết hợp này sẽ tạo nên sự thay đổi, sự phong phú cho môi trường bán lẻ và người tiêu dùng Việt Nam.

Áp lực giữ thị phần, tăng điểm bán lẻ mới

Tuy nhiên, không phải thị trường có "màu hồng" thì cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng mang màu sắc tương tự.

Việc Parkson - một trong những trung tâm thương mại của doanh nghiệp ngoại đi vào hoạt động trên một thập niên liên tiếp báo lỗ và buộc đóng cửa ít nhất hai trung tâm thương mại ngay tại TP.HCM và hai tại Hà Nội kể từ năm 2015 đến tháng 1-2018 vừa qua, càng cho thấy sức ép từ nhu cầu cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đầy khốc liệt ra sao.

Đây cũng là "động lực" chính để các doanh nghiệp bán lẻ nội địa vượt lên mạnh mẽ để giữ thế chủ động. Đáng "nể" nhất phải kể đến Saigon Co.op, nhà bán lẻ hàng tiêu dùng đang có số điểm mở bán lẻ hàng đầu Việt Nam, sở hữu gần hết các mô hình kinh doanh bán lẻ vô cùng phong phú, ngoài hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra còn bao gồm chuỗi cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile và Cheers.

Ông Đỗ Quốc Huy, giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết với 7 cửa hàng Co.op Food vừa mới mở trong đầu tháng 7-2018, Saigon Co.op hoàn toàn chủ động trong "cuộc chơi", và không giấu tham vọng tăng thêm thị phần nắm giữ trong cuộc đua mở điểm mới với tất cả các doanh nghiệp trong cùng phân khúc. 

Điều đó thể hiện rõ qua việc không chỉ nâng tổng số cửa hàng thực phẩm Co.op Food lên con số 246, 71 cửa hàng bách hóa hiện đại Co.opSmile, 5 cửa hàng tiện lợi 24g Cheers. Và chỉ cách đó ít tuần, 5 cửa hàng Co.op Food khác của Saigon Co.op cũng đã khai trương đi vào hoạt động ở Hà Nội nhằm gia tăng sự hiện diện của chuỗi cửa hàng này tại thị trường phía Bắc.

Riêng với mô hình Co.op Food, ông Huy cho hay, Saigon Co.op đang có chiến lược đẩy mạnh phát triển ra các tỉnh thành thông qua hình thức nhượng quyền.

"Sự phát triển mạnh mẽ của mô hình cửa hàng tiện lợi là xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu mua nhanh, sử dụng nhanh và thời gian mở cửa nhiều hơn cửa hàng truyền thống. Đó cũng là phân khúc Saigon Co.op đang tập trung nguồn lực để hướng đến nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu này của người tiêu dùng và cũng là cách để Saigon Co.op đa dạng hóa phân khúc bán lẻ", ông Huy thông tin.

Theo vị đại diện của Saigon Co.op, các đại gia bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam mang theo kinh nghiệm, sự bài bản, cẩn trọng và chiến lược, tầm nhìn dài hạn. Trong khi các nhà bán lẻ nội còn non trẻ về kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, tầm nhìn chiến lược… nhưng bù lại rất linh hoạt, dễ thích ứng nhờ thấu hiểu thói quen, văn hóa người tiêu dùng. 

Do vậy, muốn phát triển bền vững, "doanh nghiệp bán lẻ nội địa cần xây dựng những chiến lược dài hơi và xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp sẵn sàng cho cuộc đua dài", ông Huy chia sẻ.

Theo Tuổi trẻ

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang