Doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn khi xây dựng thương hiệu

Doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn khi xây dựng thương hiệu

Xây dựng thương hiệu là một việc làm rất quan trọng trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, theo đại diện một số doanh nghiệp, công việc này của họ gặp rất nhiều khó khăn.


Nội dung thông tin trên được chia sẻ tại hội thảo “Câu chuyện thương hiệu” do Big C Việt Nam mới tổ chức.

Hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa được trưng bày tại khuôn viên hội thảo. Ảnh: Vũ Yến

Ông Nguyễn Xuân Tồn, Chủ cơ sở cà phê rang xay Long Triều, tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc xây dựng thương hiệu đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa như Long Triều gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể là áp lực cạnh tranh lớn; người tiêu dùng không hoặc ít biết tới sản phẩm; nguồn vốn hạn hẹp, khó tiếp cận và không đáp ứng được điều kiện vay vốn từ các ngân hàng; công tác truyền thông, cách tổ chức, phát triển mạng lưới kinh doanh, công tác quản trị doanh nghiệp còn yếu…

“Trong một thời gian dài khách mua hàng chỉ biết tên tôi chứ không hề biết đến tên sản phẩm mà tôi đang bán. Từ đó tôi bắt đầu nghĩ sản phẩm của mình phải có thương hiệu để khách hàng nhận diện chứ chỉ dựa vào việc quen mặt thì không thể phát triển được”, ông Tồn nói.

Bà Nguyễn Thị Các Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Tây Cát, Đồng Tháp, chuyên sản xuất bánh mứt cho biết, khó khăn của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu còn do chưa tạo được bao bì, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; nguồn tài chính và nguồn nhân lực còn hạn chế...

Trong khi đó, bà Vũ Thị Thùy Linh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tân Cương Hoàng Bình, Thái Nguyên, đơn vị sản xuất trà, cho biết tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi khiến cho việc tiếp cận người tiêu dùng của doanh nghiệp ngày càng khó khăn, vì thế việc xây dựng thương hiệu cũng gian nan hơn rất nhiều.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng hiện nay hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn tồn tại không ít hạn chế, như thiếu vốn, trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực còn kém… nên hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, kéo theo việc xây dựng thương hiệu cũng ít được quan tâm.

Bà Loan gợi ý, để xây dựng và bảo vệ thương hiệu, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần cập nhật thông tin về thị trường, xu hướng tiêu dùng, chính sách pháp luật liên quan. Đồng thời, cần có những kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, hệ thống bán lẻ… để có được sự hỗ trợ.

Bà Nguyễn Phi Vân, cố vấn nhượng quyền quốc tế, cho rằng trong bối cảnh biên giới quốc gia dần mờ nhạt trên bản đồ kinh tế, thì sự phát triển và sống còn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của doanh nghiệp đó.

Theo đó, bà Vân cho rằng muốn tồn tại và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần mở rộng tầm nhìn đến thị trường quốc tế, để có thể lớn mạnh ngay trên sân nhà.

“Không có doanh nghiệp lớn nào mà không bắt đầu khởi nghiệp từ doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ không có nghĩa là nhỏ hoài, mà phải có tư duy lớn, từ đó huy động nguồn lực, xây dựng thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới”, bà Vân nhấn mạnh.

Ông Philippe Broianigo, Tổng giám đốc Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam, cho biết sau 4 tháng tổ chức chương trình "Đồng hành cùng thương hiệu Việt" đã có gần 20 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia và sản phẩm của các doanh nghiệp đã có mặt trên quầy kệ của hệ thống siêu thị Big C Việt Nam. Các doanh nghiệp tham gia chương trình được Big C Việt Nam hỗ trợ đào tạo (về thị trường bán lẻ, chia sẻ thông tin thị trường và thị hiếu khách hàng, về đóng gói, xây dựng thương hiệu,…); hỗ trợ tài chính , hỗ trợ về phân phối và hậu cần cũng như hoạt động truyền thông, tiếp thị.

Theo TBKTSG

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang