Đưa hàng Việt vào kênh bán lẻ quốc tế: Nhiều rào cản về vốn

Đưa hàng Việt vào kênh bán lẻ quốc tế: Nhiều rào cản về vốn

 Đó là khẳng định của Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, khi trao đổi về vấn đề xuất khẩu hàng Việt thông qua hệ thống bán lẻ quốc tế.

 


Mặc dù hàng Việt đã thâm nhập vào hệ thống bán lẻ quốc tế nhưng có ý kiến cho rằng, các nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam thường ưu tiên hàng hóa của họ hơn là các sản phẩm Việt. Bà đánh giá như thế nào về nhận định này?

- Thực ra, đây chỉ là lo ngại ban đầu, khi hệ thống bán lẻ nước ngoài mới đầu tư vào thị trường Việt Nam. Qua theo dõi chúng tôi thấy rằng, các nhà bán lẻ nước ngoài phân phối sản phẩm hàng Việt trên đất Việt sẽ mang lại cho họ lợi nhuận nhiều nhất.

hang-viet-nam.jpg

Người tiêu dùng tham dự hội chợ Tuần hàng Việt Nam tổ chức tại Nhật Bản năm 2017 . Ảnh: Thu Hương

Tính hết quý I/2018, trong hệ thống 33 siêu thị của BigC trên toàn quốc đều có tỉ lệ trên 90% hàng Việt, hệ thống Aeon Nhật Bản đã có trên 80% là hàng Việt, nhất là đối với nhóm hàng nông sản thực phẩm. Tuy nhiên, những siêu thị này cũng giữ một số lượng nhất định thực phẩm nhập khẩu để người Việt Nam được thưởng thức các sản phẩm, đặc sản thế giới theo mùa vụ như quả cherry, táo hay kiwi.

Hiện 90% DN của chúng ta là nhỏ và vừa. Vậy trong quá trình xuất khẩu hàng hóa thông qua hệ thống bán lẻ, DN Việt Nam gặp những khó khăn gì, thưa bà?

- Có thể nói, hàng Việt đã xuất khẩu ra thị trường thế giới thông qua hệ thống bán lẻ quốc tế nhưng việc tiếp cận hệ thống này là không hề đơn giản khi tiêu chí kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm của đối tác nước ngoài ngày càng khắt khe. Trong khi đó, DN Việt gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin tiêu chí sản xuất và công nghệ để có thể đưa ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng cao phù hợp với yêu cầu của thị trường, giá cả phải chăng mang tính cạnh tranh. 

Bên cạnh đó, vấn đề vốn cũng là rào cản đối với các DN trong quá trình đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ quốc tế. Hiện nay, DN bán lẻ quốc tế thường bán hàng trước trả tiền sau, thời gian trả tiền từ 3 - 4 tuần hoặc hơn 3 tháng. Đây là lý do khiến những DN của chúng ta mặc dù đáp ứng tốt các yêu cầu của hệ thống bán lẻ hiện đại nhưng không đủ vốn tham gia vào hệ thống bán lẻ quốc tế.

Vậy theo bà, để DN Việt Nam tiếp cận được hệ thống bán lẻ quốc tế, xuất khẩu hàng Việt bền vững, cần những yếu tố nào?

- Để tiếp cận hệ thống bán lẻ quốc tế, đòi hỏi DN Việt Nam phải nắm được tín hiệu thị trường bởi khi DN nắm được thông tin nhu cầu thị trường sẽ lựa chọn nhà bán lẻ phù hợp với năng lực của mình.

Theo tôi trong thời gian tới, DN cần tăng cường đầu tư nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng để thay đổi kịp thời theo nhu cầu thị trường. Đồng thời, linh động trong điều hành kinh doanh, phối hợp thông tin chặt chẽ với nhà phân phối. Đi kèm với đó là các giải pháp đầu tư công nghệ để tiết giảm chi phí, cam kết bảo đảm số lượng cũng như chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Chẳng hạn với các DN nhỏ và vừa nên quan tâm đến hệ thống bán lẻ quốc tế quy mô nhỏ, bởi họ không đòi hỏi lượng hàng nhiều hơn quy mô DN sản xuất.

Để nắm được thông tin thị trường, theo tôi, các DN cần tiếp cận với các cơ quan quản lý Nhà nước và các hiệp hội. Bởi những đơn vị này sẽ cung cấp thông tin về quy mô thị trường tiêu thụ. Đồng thời DN sản xuất cần đẩy mạnh đầu tư vào công nghiệp chế biến, cải tiến mẫu mã sản phẩm. Vì thực tế, nhiều sản phẩm Việt mặc dù chiếm lĩnh thị trường nội địa nhưng khi đưa ra thị trường nước ngoài thông qua các nhà bán lẻ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… lại không bán được do chưa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng nước sở tại.

Xin cảm ơn bà!

Theo KTĐT

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang