Ngày 5-7, tại Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM (Sở GTVT TPHCM) có cả trăm người đến làm thủ tục chờ cấp phù hiệu khiến trung tâm này quá tải không còn chỗ ngồi. Tình trạng quá tải diễn ra đã suốt 3 tuần qua. Trung tâm cấp không kịp đã buộc phải ra văn bản xin lỗi và mong chủ xe, doanh nghiệp thông cảm!
Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM Trần Chí Trung cho biết, liên tục trong những ngày qua dù là ngày nghỉ nhưng đơn vị vẫn cử nhân viên làm việc cả ngày tiếp nhận hồ sơ và cấp phù hiệu cho doanh nghiệp kinh doanh xe vận tải dưới 3,5 tấn.
Nguyên nhân, theo quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ về điều kiện ô tô kinh doanh vận tải, từ ngày 1-7, tất cả xe dưới 3,5 tấn kinh doanh vận tải trong cả nước sẽ bị phạt nếu không có phù hiệu kinh doanh và gắn thiết bị giám sát hành trình. Nghị định ra đời từ năm 2014 nhưng sát đến ngày có hiệu lực, chủ xe mới cuống cuồng đi xin cấp phù hiệu nên gây quá tải.
Trước kia, mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận khoảng 250 hồ sơ xin cấp phù hiệu, nhưng khoảng 3 tuần trở lại đây, các doanh nghiệp gửi hồ sơ đến trung tâm đề nghị cấp phù hiệu khoảng 1.500 xe/ngày, tăng gấp 5 lần. Với việc trong cùng một khoảng thời gian có lượng lớn tài khoản truy cập vào hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để kiểm tra tình hình phương tiện, phục vụ công tác cấp phù hiệu đã làm hệ thống quá tải và nhiều lúc ngưng hoạt động.
Một lý do khác, nhiều chủ xe chỉ chở “đồ nhà”, không kinh doanh vận tải vẫn đang băn khoăn: có cần phải cấp phù hiệu hay gắn hộp đen hay không?! Hay doanh nghiệp tự trang bị ô tô tải để vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp mình đi giao cho khách hàng có được xem là kinh doanh vận tải vì họ không thu tiền trực tiếp bởi tiền cước vận chuyển đã được cộng vào giá trị hàng hóa?
Anh Trần Dũng. chủ doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng có xe tải dưới 500kg cho biết, xe anh chưa đăng ký cấp phù hiệu nhưng hai ngày qua, xe đi giao hàng bị CSGT dừng hai lần để kiểm tra nhưng không bị phạt và cũng không đề cập gì đến phù hiệu cũng như hộp đen (thiết bị giám sát hành trình) (!?).
Mặc dù, theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), những xe không kinh doanh vận tải không cần phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Cơ quan chức năng không xử phạt xe của doanh nghiệp chỉ chở hàng hóa trong nội bộ doanh nghiệp vì những xe này không kinh doanh vận tải. Thế nhưng dường như vẫn còn nhiều chủ xe chưa nắm rõ điều đó nên vẫn dồn về Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM để lấy thông tin.
Dù với bất cứ lý do gì, để “nước đến chân mới nhảy” thật không hay cho cả các chủ xe và cơ quan nhà nước.
Theo SGĐT