
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hàng có xuất xứ Việt Nam để vào được các kênh phân phối hiện đại sẽ gặp nhiều trở ngại như: Mức chiết khấu không cao; hàng có xuất xứ ngoại và hàng của các DN nước ngoài gia công, đóng gói tại Việt Nam đang được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, dẫn đến hàng do DN trong nước sản xuất khó cạnh tranh cùng một mức giá ở cùng một sản phẩm…
Theo số liệu thống kê thì hàng Việt Nam đang chiếm tỷ trọng từ 70 đến 80% tại kênh bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều DN sản xuất hàng Việt Nam lại không đồng tình với con số trên. Lý giải điều này, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: "Theo tài liệu hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì hàng Việt Nam là những sản phẩm hàng hóa được sản xuất, lắp ráp, cung ứng trên lãnh thổ Việt Nam; tuân thủ pháp luật Việt Nam và không phải hàng hóa dịch vụ xuất khẩu. Một số doanh nghiệp nhầm lẫn khái niệm này. Vì vậy, cách đánh giá của họ về hàng Việt Nam bị thấp hơn so với thực tế khảo sát được. Như vậy, hàng hóa "made in Việt Nam" là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam, bao gồm cả DN sản xuất có vốn đầu tư từ nước ngoài". Cũng theo bà Lê Việt Nga, cách đây 3 năm, Bộ Công Thương đã đồng hành, triển khai các hoạt động của chương trình “Tôn vinh hàng hóa thương hiệu Việt”. Đã có 100 DN được tôn vinh về sản xuất, dịch vụ. Những thương hiệu như: Vinamilk, bóng đèn Rạng Đông, bóng đèn Điện Quang… đều có sự chiếm lĩnh rất lớn trên thị trường. Đây là những hàng hóa thương hiệu Việt rất đáng tự hào. Ngoài ra, còn có các DN sản xuất văn phòng phẩm như: Thiên Long, Hồng Hà... chiếm tỷ lệ trên quầy hàng ở các siêu thị, kênh phân phối hiện đại khác đều chiếm 80%-90% thị phần...
Người dân mua hàng tại siêu thị Fivimart. Ảnh: Cù Hương
Không phủ nhận sự hiện diện của hàng Việt trong kênh phân phối hiện đại ngày càng nhiều, thế nhưng, hàng hóa khi gia nhập vào các hệ thống siêu thị, đại siêu thị thì chưa bao giờ dễ dàng. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam còn khá ít, chưa đạt 30% thị phần, trong khi kế hoạch của Bộ Công Thương đưa ra là năm 2020 phải đạt 40%. Bên cạnh đó, yêu cầu chất lượng sản phẩm vào các siêu thị, đại siêu thị cao hơn so với bán lẻ ở các chợ truyền thống và các cửa hàng nhỏ lẻ chính là rào cản đối với các sản phẩm hàng Việt. Mặc dù hàng Việt đã có nhiều thay đổi về mẫu mã, chất lượng, quảng bá nhưng trong cuộc chạy đua với các nhãn hàng khác thì hàng Việt vẫn chưa đủ lực, chưa có những bứt phá mạnh mẽ để cạnh tranh. Chính vì vậy, người tiêu dùng dù rất muốn ủng hộ hàng Việt nhưng vẫn có quá nhiều sự lựa chọn và hầu hết đều có sự phân vân nhất định khi bỏ tiền ra mua hàng. Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long cũng khẳng định thêm: Hàng hóa khi đưa vào siêu thị Big C không phải là khó. Tuy nhiên để tồn tại, phát triển và phục vụ khách hàng mua sắm tại Big C tốt hơn mới là khó. Bởi vì rất nhiều hàng hóa của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu tốt và có sự thân quen đối với khách hàng. Hệ thống siêu thị Big C cũng chỉ có thể trợ giúp các nhà sản xuất Việt Nam trưng bày, bán hàng. Tuy nhiên, khách hàng có lựa chọn sản phẩm của DN đó hay không, đó là quyền của khách hàng.
Trước sức ép cạnh tranh của quá trình hội nhập, hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong phân phối, nhất là trên kênh phân phối hiện đại. Đối với các DN thuần Việt đang có lợi thế trên thị trường thì rất đáng tự hào. Tuy nhiên, bên cạnh đó có rất nhiều DN nhỏ và vừa đang đứng trước ngõ hẹp để bước chân vào kênh phân phối này. Các chuyên gia cho rằng, để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt trong kênh phân phối hiện đại thì DN Việt Nam phải đưa ra những chiến lược đúng đắn (chiến lược phân phối, chiến lược truyền thông,...) phù hợp trong từng giai đoạn. Trong kênh phân phối bán lẻ hiện đại, liên kết sẽ tạo ra lợi thế rất lớn cho các DN thuần Việt. Việc các DN liên kết với nhau sẽ giúp hạ giá thành sản xuất, giá vận chuyển hàng hóa hợp lý hơn. Mặt khác, để hàng hóa thuần Việt mở rộng được kênh phân phối rất cần những người tiêu dùng thông minh, nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng không có nguồn gốc xuất xứ...
Theo QĐND
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Nhà khách La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI