Khi các bà nội trợ “thay đổi” thói quen mua sắm

Khi các bà nội trợ “thay đổi” thói quen mua sắm

Với lợi thế cạnh tranh lớn dựa trên việc diện tích sử dụng ít, mặt hàng phong phú, thực phẩm tươi sống…có thể nói, sự tác động của các cửa hàng tiện ích đối với phương thức kinh doanh truyền thống là rất lớn.  


Gia tăng số lượng của hàng tiện ích

Sau hàng loạt các vụ việc liên quan đến vấn đề thực phẩm, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về sản phẩm, cũng như các dịch vụ tiện ích nhằm đáp ứng tối đa cho cuộc sống bận rộn. Nắm bắt được tâm lý đó, các cửa hàng tiện tích, với đủ các mặt hàng, các món ăn từ sơ chế đến chế biến sẵn…đã và đang phát triển rộng khắp và nhận được sự tin tưởng của nhiều bà nội trợ.

Dạo qua một số tuyến đường như Kim Mã, Đội Cấn (Ba Đình); Nguyễn Khánh Toàn, Xuân Thủy (Cầu Giấy), hoặc tại các khu chung cư, khu đô thị mới ở Hà Nội, không khó để nhận thấy hàng loạt cửa hàng tiện ích như: Vinmart+, Circle K, Shop&Go…mọc lên như nấm sau mưa.

Không chỉ xuất hiện tại các tuyến đường lớn, các khu đô thị hiện đại, một số hệ thống cửa hàng tiện ích thậm chí còn len lỏi vào tận các ngõ, ngách của Thủ đô tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ với các tiệm tạp hóa, các chợ dân sinh truyền thống, thậm chí với cả những siêu thị lớn, hiện đại.

khi cac ba noi tro thay doi thoi quen mua sam
Hệ thống cửa hàng tiện ích đã và đang là lựa chọn của rất nhiều người tiêu dùng.

Chị Đặng Thùy Linh, nhân viên văn phòng tại phường Yên Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, trước đây quanh khu vực phường Yên Hòa chỉ có duy nhất siêu thị Big C mọc lên. Vì thế, mỗi lần cần mua thực phẩm chị Linh lại cùng gia đình chạy xe đến siêu thị Big C mua sắm. Thậm chí, để giảm thời gian đi lại, nhiều loại thực phẩm được chị mua về dự trữ cho cả tuần.

Tuy nhiên, một vài năm gần đây, hàng loạt cửa hàng tiện ích mọc lên với những mặt hàng thực phẩm phong phú, an toàn…đã giúp chị Linh và nhiều người quanh khu phố không còn phải đi xa để mua sắm nữa. “Hiện nay tôi không còn phải đi mua thực phẩm tích trữ như trước nữa, ra khỏi nhà là đã có cửa hàng tiện ích trước mặt. Vừa tiện lợi, an toàn lại được sử dụng sản phẩm tươi sống, đồng thời tiết kiệm rất nhiều thời gian mua sắm”, chị Linh cho hay.

Còn bà Hà ở (Cống Mộc, Quan Nhân, Cầu Giấy) cho biết: “Sau hàng loạt các vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn bị xử lý và phát hiện tại các chợ cóc, chợ truyền thống. Tôi hầu như không tìm mua thực phẩm ở các chợ đó nữa, vì hiện nay các cửa hàng tiện ích có gần như đầy đủ mọi sản phẩm, thực phẩm cần thiết. Trong khi đó, các sản phẩm này lại có tem nhãn, nguồn gốc rõ ràng, mua bán cũng đơn giản và tiện lợi. Nếu không may sử dụng sản phẩm kém chất lượng, thì mình cũng dễ dàng tìm đến các địa chỉ ấy để đòi hỏi quyền lợi, và điều này hoàn toàn rất khó đối với các sản phẩm mua tại chợ truyền thống”.

Chợ truyền thống có tồn tại?

Có thể thấy, trong sự phát triển nhanh của nền kinh tế, cùng sự nhập nhèm chất lượng của các loại thực phẩm. Thì tâm lý và thói quen của chị Linh, bà Hà và của nhiều bà nội trợ khác khi lựa chọn cửa hàng tiện ích để mua sắm đã và đang là xu hướng tất yếu. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện ở Việt Nam hệ thống bán lẻ như siêu thị mini, cửa hàng tiện ích… đang còn nhiều tiềm năng. Và việc rất nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào lĩnh vực này cho thấy, đó là một bước đi khôn ngoan và hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận.

Để tồn tại và tự bảo vệ mình các chợ truyền thống không có cách gì khác đó là, các tiểu thương tại chợ truyền thống phải thay đổi từ tư duy, thói quen buốn bán, cho đến cung cách phục vụ để tồn tại.

Tiềm năng để phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích đã rõ, sự cạnh tranh của các chuỗi cửa hàng này lên hệ thống siêu thị truyền thống và các chợ cóc, chợ dân sinh cũng không hề nhỏ. Thậm chí, với sự phát triển nhanh chóng của các chuỗi cửa hàng này không ít người lo ngại và cho rằng, liệu những người kinh doanh tại chợ truyền thống có bị ảnh hưởng?.

Trước vấn đề trên, chị Hương, một tiểu thương tại chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân) cho rằng, sau thời điểm các siêu thị lớn, các trung tâm thương mại hình thành, rất nhiều tiểu thương chúng tôi lo lắng về việc khách hàng sẽ giảm bớt.

Thế nhưng, khách hàng vẫn không thay đổi, bởi những hệ thống lớn đó bán những loại thực phẩm, hàng hóa cao cấp. Còn chúng tôi bán thực phẩm rẻ, bình dân, địa điểm mua sắm lại thuận tiện nên số lượng khách hàng giảm không đáng là bao. Tuy nhiên, đối với các cửa hàng tiện ích hiện nay lại khác, họ mọc lên ở mọi ngõ ngách, lại cung cấp nhiều mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, nên chúng tôi thực sự lo lắng.

Trước chia sẻ của chị Hương, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thu Hà, giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội cho biết, sự cạnh tranh từ hệ thống các cửa hàng tiện ích đối với các siêu thị truyền thống và chợ truyền thống là không tránh khỏi và nó đang hiện hữu trước mắt.

Nhưng với thói quyen mua sắm, cùng tư duy lâu đời của người tiêu dùng trong nước, để họ quay lưng với chợ truyền thống là rất khó. Nhưng muốn tồn tại được lâu dài và nâng cao sự cạnh tranh, các chợ truyền thống cần nâng cao chất lượng phục vụ; sắp xếp lại các quầy hàng một cách khoa học, gọn gàng…Đặc biệt, nguồn thực phẩm phải rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo LĐTĐ

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang