ảnh minh họa
Sáng nay (15/1), Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Tăng trưởng xuất khẩu có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP
Đánh giá về hoạt động xuất nhập khẩu năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh , xuất khẩu năm 2017 đã đạt mức tăng trưởng cao so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội giao. Tăng trưởng xuất khẩu có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân; xuất siêu giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.
“Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu được chuyến dịch theo đúng định hướng đề ra tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020 theo hướng tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến và giảm dần nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở tất cả các nhóm hàng. Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, là một trong những điểm tích cực trong hoạt động xuất khẩu năm 2017”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương, trong năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam sang nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA. Trong đó, xuất khẩu sang ASEAN tăng 24,3%, đạt 21,7 tỷ USD, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 60,6%, đạt 35,3 tỷ USD, xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 14,2%, đạt 16,8 tỷ USD, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 31,1%, đạt 15 tỷ USD...
Cũng theo ông Hưng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2017 đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2017, trong đó Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là hai thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, với giá trị nhập khẩu khoảng 104 tỷ USD.
Thông tin ông Hưng cũng cho biết thêm, trong năm 2017, cả nước vẫn duy trì xuất siêu với mức thặng dư khoảng 2,67 tỷ USD, đây là năm thứ 2 liên tiếp có xuất siêu. Đặc biệt là, Việt Nam xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt kheo đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ, EU, Australia và New Zealand. Nhập siêu chủ yếu đến từ khu vực thị trường châu Á, đặc biệt là từ các nước thuộc khối Asean.
Ở lĩnh vực cà phê, ông Huỳnh Ngọc Dương, Giám đốc Sở Công Thương Đăk Lăk cho biết, năm 2017 giá cà phê đạt mức cao nhất trong 5 năm gần đây, cùng với đó giá cao su phục hồi đã góp phần đem lại giá trị xuất khẩu cao cho địa phương.
Tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu dựa vào doanh nghiệp FDI
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2017, mặc dù xuất khẩu Việt Nam đã đạt nhiều thành quả tích cực, nhưng động lực tăng trưởng chủ yếu vẫn ở nhóm hàng do khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó nhóm các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo với giá trị gia tăng cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh.
Thực tế hiện nay, đóng góp của khối doanh nghiệp FDI vẫn chiếm hơn 70% giá trị xuất khẩu, trong khi chưa đầy 30% là của doanh nghiệp nội.
Một hạn chế nữa cũng được người đứng đầu ngành Công Thương đưa ra là, các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu đều chưa xây dựng được thương hiệu và vững chắc.
“Tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở bên ngoài, khiến cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra những hạn chế trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2017.
Về hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2017, người đứng đầu ngành Công Thương cũng cho biết, việc chuyển dịch cơ cấu ở một số lĩnh vực công nghiệp vẫn chưa thực sự bền vững. Giá trị gia tăng của sản phẩm ở một số ngành tuy có tăng nhưng còn chậm, khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp còn hạn chế. Sản xuất công nghiệp vẫn chưa tham gia được nhiều vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế, chưa tạo được mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hóa phù hợp với cơ chế thị trường. Nhiều doanh nghiệp đầu tư khép kín, chưa phối hợp năng lực sẵn có của các doanh nghiệp khác để tăng nội lực cho ngành và đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn. Điều này một mặt làm tăng chi phí đầu tư cho sản xuất, mặt khác gây lãng phí năng lực chung của toàn ngành, tạo ra những cạnh tranh không đáng có giữa các doanh nghiệp trong ngành.
Theo VnMedia