Từ năm 2016 tới nay, đã có một số lượng DN thành lập mới một cách mạnh mẽ. Trong đó hàng loạt mô hình DN đã thành công lớn, như: Tiki, Lozi, Cốc Cốc… Để đạt được những thành quả đó cũng là nhờ hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh từ phía Chính phủ. Đơn cử như giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như hỗ trợ phát triển DN… Những giải pháp này đã trở thành động lực lớn đối với cộng đồng DN.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Tuy nhiên, không phải DN được thành lập nào cũng thành công. Đánh giá về vấn đề này bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng: Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2018, cả nước có 96.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng qua là 73.103 doanh nghiệp, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 50.050 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, tăng 62,3%. Tính ra cứ 10 doanh nghiệp thành lập mới thì có khoảng 7 doanh nghiệp thành lập trước đó rời bỏ thị trường.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô nhỏ, năng lực còn nhiều hạn chế và không tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Đáng chú ý, liên tục trong bốn năm liên tiếp từ 2014 đến 2017, khối các doanh nghiệp trong nước liên tục bị lép vế so với khối doanh nghiệp ngoại như doanh nghiệp trong nước triền miên nhập siêu; tỉ trọng trong kim ngạch xuất khẩu giảm dần... Dù Việt Nam liên tục tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại nhưng cơ hội phần lớn vẫn dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là nguyên nhân khiến các DN rút khỏi thị trường ngày một nhiều.
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)
Trao đổi thêm về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: Theo thống kê của VEPR, số DN đóng cửa và ngừng hoạt động tiếp tục tăng so với những quý gần đây và tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017, trong khi đó số DN mới chỉ tăng trưởng với con số rất nhỏ. Một điều đáng lo ngại, việc đóng cửa này thể hiện sự thất bại của các doanh nghiệp trong việc cạnh tranh trên thị trường.
Trong thời buổi kinh tế toàn cầu như hiện nay; hàng nghìn doanh nghiệp được thành lập mong muốn phát triển và vươn ra tầm thế giới. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp Việt đang đi vào ngõ cụt và xếp hàng chờ “khai tử” do gặp phải những khó khăn trong kinh doanh. Vậy nên, các DN nên tránh tư duy dựa dẫm ngay từ đầu vào các chính sách mà nên chủ động phát huy năng lực của mình.