Thị trường Việt Nam thu hút các ông lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử

Thị trường Việt Nam thu hút các ông lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử

Với doanh số được dự báo lên đến 10 tỷ USD vào năm 2025, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam (VN) được xem là mỏ vàng của cả doanh nghiệp nội lẫn ngoại.


Với doanh số được dự báo lên đến 10 tỷ USD vào năm 2025, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam (VN) được xem là mỏ vàng của cả doanh nghiệp nội lẫn ngoại.

Ngày 14/1/2019, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) đã ký kết hợp tác với Amazon Global Selling. Điều này đánh dấu việc trang thương mại điện tử của tỷ phú Jeff Bezos (Mỹ) chính thức đặt chân vào thị trường VN. Động thái này được đánh giá là sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thị phần khốc liệt giữa hai gã khổng lồ TMĐT Đông-Tây. Tuy vậy, để giành phần thắng khi đã có những đối thủ sừng sỏ như Alibaba của tỷ phú Jack Ma (Trung Quốc) không phải dễ.

Theo TS Simon Baptist, chuyên gia kinh tế kiêm giám đốc điều hành khu vực châu Á của Economist Intelligence Unit, việc Amazon gia nhập VN vì sức hút khó cưỡng của thị trường này. Theo đó, VN là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực. Dự kiến ở VN sẽ tăng 18 triệu hộ gia đình trung lưu trong giai đoạn 2017-2030, trong đó hơn 30% mức tăng này sẽ đến từ Hà Nội và TP.HCM.

s-SpCDBEPrSIAyMOlOAx3BY0zA_XODeMp4Mho32J9d-1smYIacyzKbh_JNYOlDjLc6HhZcafoVOHaMWmVerU84GbKNQJgZBDn_wKY3BOL3F1oVD6jGlWi7VKG_2qJvUcZNePpx1T

Một số trang TMĐT đang phát triển mạnh tại Việt Nam.

“Bên cạnh đó, VN đang có một dân số trẻ thành thạo công nghệ và đã hình thành xu hướng mua hàng hóa trên mạng, cũng như bệ đỡ thu nhập tăng cao. Chưa kể VN đang nỗ lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế không dùng tiền mặt mà mục tiêu năm 2020 sẽ có 50% hộ gia đình thành thị sử dụng thanh toán điện tử cho các giao dịch hằng ngày” - TS Simon Baptist phân tích.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT VN (VECOM), đánh giá sự tham gia của đại gia bán hàng trực tuyến số một thế giới Amazon khiến thị trường TMĐT VN sẽ ngày càng cạnh tranh gay gắt và khốc liệt.

“Thị trường đã phân hóa mạnh với nhóm dẫn đầu đang dẫn dắt thị trường như Lazada, Tiki, Shopee, Adayroi,… định hình lối chơi riêng nhưng không có nghĩa rằng các đơn vị khác không có cơ hội bứt phá” - ông Hưng nhận định.

Đại diện Hiệp hội TMĐT VN cũng nhận định Amazon chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi chen chân vào thị trường VN. Lý do là trước Amazon đã có nhiều đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực TMĐT trên thế giới nhảy vào VN. Chẳng hạn Alibaba đã chi 1 tỷ USD để thâu tóm kênh mua sắm trực tuyến hàng đầu Lazada, hiện hoạt động tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và VN.

Theo công bố của Lazada, đơn vị này có 155.000 nhà bán hàng và 3.000 thương hiệu phục vụ 560 triệu người tiêu dùng trong khu vực. Lazada quy tụ hơn 300 triệu sản phẩm thuộc đa dạng các danh mục từ điện tử đến hàng gia dụng, đồ chơi, thời trang, thiết bị thể thao.

Tương tự, đại gia Tencent từ Trung Quốc thâm nhập thị trường VN với trang thương mại Shopee. Một tên tuổi khác đang nổi danh trong làng TMĐT chính là Tiki, vừa nhận được nguồn tiền đầu tư cả trong nước và ngoài nước.

Ngoài ra còn có thể kể thêm các tên tuổi khác như Adayroi của Tập đoàn Vingroup, đơn vị duy nhất không nhận được nguồn vốn ngoại nào nhưng với việc sở hữu chuỗi bán lẻ rộng khắp cả nước có thể gây sức ép đáng kể lên các đại gia khác.

Theo nhận định chung của giới kinh doanh, dù có rất nhiều đơn vị tham gia nhưng xét về nguồn lực tài chính, logistics, công nghệ thì trong cuộc đua trên thị trường TMĐT VN thực sự chỉ dành cho hai đối thủ lớn là Alibaba và Amazon. Cả hai đều là đại gia hàng đầu trên thị trường thế giới.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang