Thuốc nhỏ mắt vô khuẩn được sản xuất bằng công nghệ khép kín

Thuốc nhỏ mắt vô khuẩn được sản xuất bằng công nghệ khép kín

Thuốc nhỏ mắt được sản xuất theo công nghệ kín hoàn toàn (BFS), từ tạo lọ, rót nước đến đóng nắp sản phẩm.


Tại Tọa đàm Vai trò của công nghệ 4.0 trong sản xuất thuốc nhỏ mắt, Phó giáo sư Lê Văn Truyền - Chuyên gia dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thuốc tiêm, dịch truyền, thuốc nhỏ mắt là 3 dược phẩm cần đảm bảo hoàn toàn vô khuẩn khi sản xuất.

Cấu trúc mắt phức tạp, mỏng, dễ tổn thương, vi khuẩn dễ xâm nhập, lan truyền nên khi dùng thuốc nhỏ mắt cần độ vô trùng tuyệt đối như thuốc tiêm truyền. Tuy nhiên, hiện, nhiều sản phẩm sản xuất trong điều kiện không vô khuẩn buộc nhà sản xuất phải diệt khuẩn trước khi đưa đến tay người tiêu dùng.

"Khi diệt khuẩn bằng nhiệt, vi khuẩn chết đi nhưng xác vẫn tồn tại, giữ lại các độc tố trong thuốc, có thể gây kích ứng hoặc dị ứng, sốc phản vệ cho người dùng. Thậm chí, khi tiệt khuẩn, không chỉ có vi khuẩn bị tiêu diệt mà một phần các thuốc có trong dung dịch cũng bị hư hỏng", ông cho biết.

Ông cho biết thêm, với công nghệ sản xuất hở, để tạo ra thuốc nhỏ mắt, các công ty thường sản xuất hoặc đặt mua bao bì, lọ nhựa sau đó chuyển vào dây chuyền để đóng gói. Hơn nữa, các lọ thuốc, nước muối có lỗ ở đầu, khi vặn nắp sử dụng luôn khó tránh khỏi nguy cơ sản phẩm nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng. 

Từ năm 2017, Công ty Cổ phần Traphaco đã bắt đầu sản xuất thuốc nhỏ mắt trên dây chuyền có trang bị công nghệ kín hoàn toàn (BFS) tại xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Thay vì nhiều công đoạn như trước kia, hiện nay việc sản xuất thuốc nhỏ mắt được thực hiện theo quy trình khép kín, từ tạo lọ đựng đến rót nước và đóng nắp, giúp tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng.

"Công nghệ kín hoàn toàn (BFS) đã được Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận là một quá trình vô trùng cấp cao. Traphaco là một trong những công ty đầu tiên ở nước ta áp dụng công nghệ này vào sản xuất thuốc nhỏ mắt", Phó giáo sư Truyền cho hay.

Theo Phó giáo sư Truyền, công nghệ kín hoàn toàn hiện cũng được dùng để sản xuất thuốc tiêm, truyền, tuy nhiên, ứng dụng vào sản xuất thuốc nhỏ mắt còn chưa được chú trọng. "Thành công trong việc triển khai dòng thuốc nhỏ mắt vô khuẩn cho thấy ngành dược Việt Nam có đầy đủ năng lực đầu tư và làm chủ các công nghệ dược phẩm tiên tiến nhất trên thế giới, để tạo ra các sản phẩm có hiệu quả điều trị cao", ông nhấn mạnh.

Theo bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Traphaco, dây chuyền sản xuất thuốc nhỏ mắt công nghệ 4.0 được đầu tư các thiết bị khép kín, có hệ thống kiểm soát online, với công nghệ có độ chính xác cao, tự động hóa hoàn toàn, hạn chế tối đa sự can thiệp, sai sót của con người.

Quy trình sản xuất thuốc nhỏ mắt của công ty trải qua các bước: Pha chế dịch (hệ thống pha chế tự động), tạo bao bì nhựa (trực tiếp từ hạt nhựa nguyên sinh), tót dịch điện tử, hàn kín lọ, hoàn thiện sản phẩm. Thời gian từ khi hạt nhựa được cấp vào đến khi tạo thành lọ thuốc hoàn chỉnh chỉ trong vòng 13 giây.

"Tất cả các quy trình đều được thực hiện trong môi trường vô khuẩn, xếp loại A, tức 1m3 không khí không cho phép quá một vi khuẩn. Chỉ khi bắt đầu dùng thì lọ thuốc mới bị chọc lỗ nhỏ để dịch thoát ra, điều này có nghĩa chúng được bảo quản, giữ nguyên giá trị về chất lượng trong suốt thời gian chưa sử dụng, không nhiễm khuẩn", bà Thuận cho hay.

 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang