Thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận có khoảng 30 hộ dân làm bánh tráng. Những ngày này, làng bánh tráng Phú Long tất bật sản xuất để phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán và cũng là mùa làm bánh chính trong năm.
Từ đầu tháng 12 Âm lịch, gạo được ngâm nhiều hơn, lò lửa lớn hơn và thời gian ngồi tráng bánh của chị Huỳnh Thị Thái Thu, thôn Phú Thành, thị trấn Phú Long cũng kéo dài hơn. Mỗi ngày làm việc cuối năm của lò bánh tráng nhà chị bắt đầu từ 2 giờ sáng và kéo dài đến 4 giờ chiều. Từ người xay bột, người tráng, người phơi đến người gỡ bánh đều làm việc rất khẩn trương. Từng chồng bánh tráng thành phẩm được chất cao, ngay ngắn chờ người đến lấy.
Không chỉ thị trường trong tỉnh, năm nay lò bánh nhà chị còn nhận được các đơn đặt hàng từ: Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh…Với số lượng bánh được đặt trước nhiều như hiện nay, chị Thu nhẩm tính sẽ tráng bánh đến tận 28 Tết mới đóng lò.
Chị Thu chia sẻ để có những mẻ bánh vừa ý, tất cả các công đoạn như chọn gạo, ngâm bột, xay bột, nhóm lửa, tráng bánh, xếp bánh, phơi bánh...đều đòi hỏi sự chú tâm và kinh nghiệm của người thợ. Ngày thường mỗi ngày chỉ làm khoảng 1.000 bánh nhưng dịp này tăng khoảng 200 - 400 bánh. Để kịp tiến độ bánh Tết, chị phải thuê 3 nhân công giúp việc. Mặc dù bánh trong dịp Tết được làm theo nhu cầu của khách, kỹ càng, chất lượng hơn nhưng giá không thay đổi. Với loại bánh chủ lực là bánh mỏng dẻo, mỗi cái chị bán với giá 1.700 đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày chị thu được từ 300 - 400 nghìn đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Nở, ở thôn Phú Thành, thị trấn Phú Long là người có hơn 50 năm làm bánh tráng cho biết: Nhờ gắn bó với nghề mà kinh tế gia đình ổn định, có điều kiện nuôi con ăn học. Đến nay, nghề tráng bánh không còn hưng thịnh như trước nhưng nhiều gia đình vẫn gắn bó vì không bỏ được nghề truyền thống. Các con dâu bà cũng đều học nghề và tráng tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Vào mỗi dịp Tết, số lượng bánh tráng được làm nhiều hơn so với ngày thường. Bình quân mỗi ngày gia đình bà làm khoảng 1.500 cái. Vì năm nay mưa thất thường, sợ không đủ bánh cung cấp nên từ đầu tháng 11 Âm lịch gia đình đã bắt đầu làm bánh chuẩn bị cho Tết. Có nhiều loại bánh được đặt trước như: bánh tráng dày để nướng phồng, bánh tráng cuốn chả chiên… nhưng loại được ưa chuộng nhất vẫn là bánh mỏng dẻo.
Ông Võ Quang Minh, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Long cho biết: Hiện nay phần lớn các lò bánh trên địa bàn không nhận đặt hàng nữa vì sợ không đáp ứng kịp. Làm bánh tráng, nhất là mùa bánh Tết không chỉ đem lại thu nhập ổn định, giúp bà con sắm sửa đón Tết mà còn góp phần giúp giải quyết việc làm cho phụ nữ. Thời gian tới, Hội Nông dân sẽ tham mưu cho địa phương liên kết các hộ sản xuất xây dựng thành chi hội nghề nghiệp nhằm xây dựng thương hiệu và quảng bá mạnh mẽ bánh tráng Phú Long.
Bình Thuận có 2 địa phương sản xuất bánh tráng tập trung và nổi tiếng là thị trấn Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc) và thị trấn Chợ Lầu (huyện Bắc Bình) với hơn 100 hộ sản xuất theo phương thức truyền thống. Nghề làm bánh tráng không chỉ là công việc được lưu truyền qua nhiều thế hệ, giúp cuộc sống ổn định mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Làng bánh tráng Phú Long, Chợ Lầu còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn tìm hiểu nghề truyền thống của địa phương.
Theo TTXVN
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI