Làng khoa bảng Nguyệt Áng

Làng khoa bảng Nguyệt Áng

Nằm ở phía Tây Nam huyện Thanh Trì, Đại Áng không chỉ được biết đến là một trong những xã đầu tiên của Hà Nội về đích xây dựng nông thôn mới, mà nơi đây còn rất nổi tiếng với làng Nguyệt Áng - một trong số 21 làng khoa bảng của cả nước vào thời kỳ phong kiến.


Đến nay, công tác chăm lo giáo dục cho con em trên địa bàn xã vẫn tiếp tục được chú trọng.

 Văn chỉ làng khoa bảng Nguyệt Áng là nơi diễn ra các hoạt động khuyến học xã Đại Áng

Là xã thuần nông, lại thuộc vùng trũng, đời sống kinh tế của phần lớn các hộ gia đình ở xã Đại Áng vẫn còn không ít khó khăn. Dù vậy, công tác đầu tư hạ tầng giáo dục vẫn luôn được chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Từ năm 2013 - 2015, cùng với nguồn vốn được TP Hà Nội, huyện Thanh Trì hỗ trợ, xã Đại Áng đã huy động nguồn lực bổ sung trong Nhân dân đạt tổng số tiền trên 100 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp các cơ sở giáo dục. Đến năm 2016, cả ba trường học thuộc các cấp mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn xã đều đã đạt chuẩn Quốc gia. Hướng tới mục tiêu xã hội hóa giáo dục, chính quyền địa phương đã xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng. Đây là nơi thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm phổ biến kiến thức giúp bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đồng thời là nơi giáo dục tư tưởng, chính trị, vui chơi cho các em nhỏ. Đến nay, 4/4 thôn của xã đều đã có nhà văn hóa được xây dựng khang trang, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân…


Cùng với việc cơ sở hạ tầng được nâng cấp ngày một đồng bộ, điểm đáng chú ý trong công tác khuyến học tại xã Đại Áng mà ít địa phương nào trên địa bàn Hà Nội làm được, đó là duy trì hiệu quả hoạt động của các chi hội khuyến học. Theo ông Trương Hồng Quân - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Đại Áng, toàn xã hiện có 12 chi hội khuyến học dòng họ, 3 chi hội khuyến học trường học và 4 chi hội khuyến học thôn. Từ năm 2011 - 2016, các chi hội khuyến học trên đã phát động ủng hộ được tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng, trao thưởng cho hơn 12.500 học sinh có thành tích xuất sắc trong những năm học qua. Bên cạnh nguồn kinh phí từ các chi hội khuyến học, địa phương thường xuyên phối hợp với các tổ chức, DN trao tặng quà cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để động viên các em vượt khó, vươn lên học tập tốt… 


Bí thư Đảng ủy xã Đại Áng Trần Quốc Oai cho biết, cùng với động viên kịp thời cho các em học sinh thông qua các hình thức khen thưởng, biểu dương, địa phương đặc biệt chú trọng tới việc gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử gắn với truyền thống hiếu học của làng khoa bảng Nguyệt Áng. Năm 2014, bằng nguồn vốn TP hỗ trợ và Nhân dân đóng góp, Văn chỉ làng khoa bảng ở thôn Nguyệt Áng đã được đầu tư nâng cấp. Đến nay, nhiều hoạt động khuyến học, khuyến tài, điển hình là tuyên dương các em học sinh có thành tích xuất sắc được diễn ra trang trọng tại di tích lịch sử cấp Quốc gia này. Hoạt động được tổ chức thường niên như lời nhắc nhở đối với các em học sinh trên địa bàn xã Đại Áng nỗ lực phát huy truyền thống hiếu học, tiếp bước tiền nhân, phấn đấu học tập, rèn luyện, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, trở thành người có ích cho quê hương.

Theo KTĐT

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang