Lấy lại niềm tin cho hàng Việt: Chú trọng chất lượng hàng hóa

Lấy lại niềm tin cho hàng Việt: Chú trọng chất lượng hàng hóa

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa cho hàng hóa nước ngoài lưu thông trên thị trường nội địa, nhờ đó người tiêu dùng (NTD) có thêm cơ hội tiếp cận sản phẩm chất lượng cao.

 


Thế nhưng, đối với DN Việt, việc mở cửa thị trường cho hàng nhập khẩu đã đặt ra vấn đề DN phải đẩy mạnh đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững thị phần trước sự cạnh tranh gay gắt của hàng ngoại nhập.

Niềm tin vào hàng Việt giảm sút

Kết quả điều tra bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện với 13.000 hộ gia đình tại 12 tỉnh, TP cho thấy, sản phẩm trong nước được yêu thích và thường mua dùng đã giảm còn 27% và 32% (kết quả khảo sát năm 2017 lần lượt là 51% và 60%).

hang-viet-nam.jpg

Các mặt hàngg Hàn Quốc bầy bán tại siêu thị Lotte Mart

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú (nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân khiến lòng tin của NTD với hàng Việt giảm sút là do DN ngoại đã đẩy mạnh thâu tóm hệ thống bán lẻ. Qua đó, hạn chế tiêu thụ hàng Việt bằng việc nâng tỷ lệ chiết khấu bán hàng lên tới 30%. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ thiết thực từ các cơ quan Nhà nước của họ với các DN đang đầu tư hệ thống bán lẻ tại thị trường Việt Nam. Sự hỗ trợ này đã tạo điều kiện cho DN bán lẻ quốc tế triển khai nhiều chương trình giới thiệu sản phẩm ngoại nhập, từ đó thu hút và chinh phục NTD Việt Nam.

Không chỉ có vậy, một trong những nguyên nhân khiến lòng tin của NTD đối với hàng Việt giảm sút mạnh mẽ còn bởi tình trạng một số DN Việt không minh bạch kinh doanh. Hay những thương hiệu Việt càng có uy tín trên thị trường lại phải đối diện với rủi ro nhiều hơn bởi vấn nạn hàng giả... Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh nêu rõ: Với mục tiêu hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm tới NTD trong nước và quốc tế, HPA và Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều hội chợ hàng Việt. Thế nhưng, DN tham gia hội chợ lại có tư tưởng tiêu thụ hàng hóa làm trọng tâm, coi nhẹ việc quảng bá sản phẩm tới NTD hoặc tìm kiếm đối tác tiêu thụ trong tương lai. 

Đổi mới, nâng cao tính cạnh tranh

Để lấy lại lòng tin của NTD với hàng Việt đòi hỏi DN phải chuyển từ lượng sang chất, chú trọng đến chất lượng hàng hóa, đổi mới, nâng cao tính cạnh tranh của hàng Việt. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khóa Việt - Tiệp Lương Văn Thắng cho rằng, trước hết DN phải thay đổi tư duy theo hướng DN phải là chủ thể có trách nhiệm với NTD và xã hội. Sản phẩm làm ra không chỉ để thỏa mãn sức sáng tạo của DN mà còn phải đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại, qua đó mới có khả năng chinh phục NTD trong nước.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Tổng Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long Nguyễn Thái Dũng nêu rõ: Mặc dù siêu thị Big C hỗ trợ DN tiêu thụ hàng Việt nhưng thực tế cho thấy, nhiều DN Việt chưa quan tâm đến đăng ký bản quyền, đăng ký sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý để khẳng định chủ quyền và nét đặc sắc của sản phẩm. DN cũng chưa có sự chú trọng thích đáng cho bao bì, mẫu mã và chưa xây dựng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn… Tuy nhiên, để làm được điều này nếu chỉ trông cậy vào DN là không đủ mà các trung tâm xúc tiến thương mại nên đẩy mạnh hỗ trợ DN trong việc cung cấp thông tin thị trường, từ hướng dẫn thiết kế mẫu mã, bao bì cho DN. 

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đề nghị, các DN nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, đồng thời đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, sản phẩm tới NTD.

Theo KTĐT

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang