Trong 4 tháng đầu năm, ngành giấy đã sản xuất được 1.181.815 tấn giấy các loại, tăng 60% so với cùng kỳ 2017, nhờ các nhà máy có công suất lớn đã hoạt động mạnh từ quý IV/2017 và tiếp tục tăng sản lượng sản xuất trong những tháng đầu năm 2018.
Phụ thuộc vào nhập khẩu
Từ trước đến nay, ngành giấy luôn được Bộ Công Thương và Chính phủ đánh giá là lĩnh vực cần quan tâm, hỗ trợ phát triển.
Tuy nhiên, trước tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các doanh nghiệp nước ngoài như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…, ngành giấy trong nước càng khó khăn hơn khi đa số doanh nghiệp không tự chủ được nguồn nguyên liệu.
Xu hướng đó khiến nguồn cung của ngành giấy rơi vào tình trạng căng thẳng. Vì vậy, các doanh nghiệp dự báo giá nguyên liệu và giấy nhập khẩu sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Tại thị trường trong nước, vụ sản xuất chính đã bắt đầu vào mùa để đáp ứng cho năm học mới và hoạt động sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng các loại bao bì cũng tăng lên do hoạt động sản xuất của các ngành hàng phát triển đã tạo cơ hội cho ngành giấy carton "ăn nên làm ra".
Theo đánh giá của Hiệp hội Bao bì Việt Nam, ngành sản xuất bao bì trong nước tăng trưởng mạnh trong 10 năm trở lại đây. Do đó, nhu cầu nguyên liệu rất cao.
Để phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất giấy Việt Nam sử dụng tới 70% nguyên liệu phế thải để sản xuất, hơn nửa số này phải nhập khẩu. Nguyên liệu phục vụ cho sản xuất giấy chủ yếu từ các hoạt động thu gom riêng lẻ hoặc qua trung gian. Tỷ lệ thu hồi, tái chế giấy trong nước vẫn đang ở mức thấp.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, ngành giấy đã phải nhập 465.000 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng giấy nhập khẩu lớn chủ yếu là cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất bao bì cao cấp và giấy phục vụ cho thị trường trong nước.
Ngoài ra, theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy, giấy đã qua sử dụng được xem là nguồn nguyên liệu chính của các doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước hiện nay. Tuy vậy, các quy định của Tổng Cục môi trường về phế liệu nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất nói chung và phế liệu giấy nhập khẩu nói riêng đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất giấy cho hay, ngoài các quy định “tréo ngoe” về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất giấy, việc buộc phải kiểm tra 100% các lô hàng phế liệu nhập khẩu tại cửa khẩu thay vì ở nhà máy của Tổng cục Hải quan gây không ít phiền hà cho DN khi làm thủ tục nhập khẩu. Bên cạnh đó, quy định doanh nghiệp sản xuất giấy phải ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu làm tăng chi phí tài chính cho doanh nghiệp.
“Ngoài nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp ngành giấy có những đặc trưng riêng về công nghệ, dây chuyền máy móc. Do vậy, để doanh nghiệp sản xuất trong nước không thua trên sân nhà khi Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, Chính phủ cần có những hỗ trợ rõ ràng về cơ chế cũng như vốn vay”, vị này kiến nghị.
Bài toán phát triển vùng nguyên liệu
Theo giải thích của các doanh nghiệp ngành giấy, tình trạng nhập khẩu cao là vì các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên liệu thô để làm nguyên liệu sản xuất giấy thành phẩm. Nguyên do là ngành chưa có đủ dây chuyền để sản xuất bột giấy từ gỗ.
Hiện tại, đa số phải xuất khẩu gỗ nguyên liệu thô sang các nước và nhập lại bột giấy thành phẩm về làm nguyên liệu sản xuất giấy thành phẩm. Thêm vào đó, nguồn gỗ thô nguyên liệu dù đã được bổ sung với các loại rừng trồng nhưng vẫn chưa nhiều, do cạnh tranh với ngành chế biến gỗ.
Trả lời trên VNEconomy, ông Trần Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Mai cho biết, việc đầu tư các nhà máy giấy là nỗ lực của các doanh nghiệp giấy trong việc nội địa hóa thị phần giấy, giúp doanh nghiệp nội cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường nội địa.
Song, tùy vào năng lực tài chính mà từng doanh nghiệp có kế hoạch thực hiện nhanh chậm khác nhau. Đơn cử như tại Tân Mai, trong năm 2018 và 2019, doanh nghiệp xúc tiến đầu tư thêm nhà máy giấy bao bì có công suất 200.000 tấn/năm tại Long Thành (Đồng Nai) và nhà máy sản xuất bột giấy tại Kon Tum sau khi dự án nhà máy tại Quảng Ngãi phải hủy bỏ do gặp khó khăn về mặt bằng.
Dù doanh nghiệp tự lực cánh sinh nhưng để phát triển được vùng nguyên liệu gỗ, phát triển sản xuất, đòi hỏi sự hỗ trợ, đồng hành từ chính sách để trồng rừng và phát triển công nghệ trong sản xuất đảm bảo cung ứng sản phẩm chất lượng cao và bảo vệ được môi trường.
Các doanh nghiệp trong nước muốn cạnh tranh phải nhanh chóng đẩy mạnh đầu tư vào dây chuyền sản xuất, đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng vùng nguyên liệu ổn định dưới hình thức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người trồng rừng.
Bên cạnh đó, cần sự hợp tác giữa người dân với doanh nghiệp, đồng thời các doanh nghiệp trong ngành phải liên kết với nhau mới có thể hy vọng phát triển nhanh vùng nguyên liệu cho ngành tại chỗ, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất sản phẩm chất lượng cao.
Hiện tại, với quy trình sản xuất đi theo đường vòng, các doanh nghiệp trong nước phải chật vật cạnh tranh, không những không chủ động được sản xuất, kiểm soát được thị trường mà dễ dàng bị đánh bật trước các thương hiệu giấy ngoại. Đơn cử như giấy ngoại nhập từ Thái Lan, Indonesia, và Nhật Bản. Điều đáng lo ngại là giấy của các thương hiệu ngoại trội hơn hẳn sản phẩm giấy trong nước nên được người tiêu dùng lựa chọn.
Theo enternews
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI