Lựa chọn hướng đi bền vững cho ngành hồ tiêu

Lựa chọn hướng đi bền vững cho ngành hồ tiêu

Giai đoạn 2010-2017, ngành hồ tiêu đã có sự phát triển “thần tốc” cả về diện tích và sản lượng. Tuy nhiên, sự “thần tốc” này đang dẫn tới những hệ lụy nguy hiểm. Nếu không nhanh chóng tháo gỡ có thể sẽ dẫn tới nguy cơ phá vỡ ngành hàng, không có người mua, giảm uy tín sản phẩm…


8trongtieu1_Baohaiquan_vn.jpg

Ngành hồ tiêu cần chuyển từ chạy đua về diện tích và sản lượng sang chạy đua về chất lượng. Ảnh: ST.

“Thần tốc” nhưng thiếu bền vững

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, do nhu cầu của thị trường thế giới, diện tích hồ tiêu ở nước ta trong giai đoạn 2012 - 2017 tăng rất nhanh. Nếu năm 2010 cả nước chỉ trồng 51,5 ngàn ha hồ tiêu thì đến năm 2017 diện tích đã tăng lên đến 152.668 ha. Điều này đã giúp đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Đến nay, hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu đến 109 nước và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu tại các nước châu Âu, châu Á và châu Mỹ.

Mặc dù vậy, sản xuất hồ tiêu ở nước ta cũng đang bộc lộ những biểu hiện thiếu bền vững, trong đó bùng nổ về diện tích, gia tăng dịch bệnh, hạn chế trong kiểm soát chất lượng, tổ chức liên kết sản xuất và phát triển chuỗi giá trị, tác động của biến đổi khí hậu được coi là các yếu tố bất ổn ảnh hưởng đến ngành hồ tiêu. Năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành hàng hồ tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, theo đó đến năm 2020 diện tích trồng hồ tiêu toàn quốc sẽ đạt 50.000 ha. Tuy nhiên, đến năm nay diện tích hồ tiêu toàn quốc đã gấp 3 lần so với quy hoạch.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), tổng nguồn cung toàn cầu 2017 sẽ đạt khoảng 460.000 tấn, tăng khoảng 6-7% so với năm 2016. So sánh với tốc độ tăng nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu (ước khoảng 3%/năm) thì cung đang cao hơn cầu. Năm 2018, tuy năng suất hồ tiêu một số nước sản xuất lớn trong đó có Việt Nam có thể giảm nhưng do diện tích cho thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung toàn cầu năm 2018 vẫn sẽ cao hơn năm 2017 và cao hơn nhu cầu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá hồ tiêu xuất khẩu và hiệu quả sản xuất hồ tiêu. Cụ thể, giá tiêu trên thế giới nói chung và giá tiêu ở Việt Nam đã liên tục giảm mạnh trong thời gian qua. Hiện tại, giá tiêu ở Việt Nam chỉ còn hơn 60.000 đồng/kg, gần sát với giá thành sản xuất bình quân chung của cả nước là hơn 49.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, ngành hồ tiêu Việt Nam cũng đang phải đối mặt với thách thức từ việc gia tăng hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Theo Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA), EU đặc biệt quan tâm tới vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản và đã đưa ra nhiều qui định cụ thể hơn. Ủy ban châu Âu (EC) đã thông báo việc điều chỉnh chỉ số MRLs Metalaxyl (dư lượng tồn dư hóa chất tối thiểu) từ 0,1 ppm lên 0,05 ppm; đồng thời kiến nghị lên WTO nâng chỉ số MRLs Metalaxyl lên mức 0,05 ppm cho tất cả các sản phẩm hồ tiêu nhập khẩu vào EU.  Tuy nhiên do phản ứng của phía Việt Nam và Ấn Độ, EC đã tạm dừng việc điều chỉnh và giữ nguyên chỉ số MRLs metalaxyl ở mức 0,1 ppm đến hết năm 2018. Ngoài ra,  EU còn quan tâm nhiều tới sự nhiễm bẩn chéo trong quá trình bảo quản, cất trữ, vận chuyển, phân phối và vấn đề các chất gây dị ứng lây nhiễm vào hạt tiêu trong quá trình sấy sai phương pháp hay các loại dầu khoáng lây nhiễm khi vận chuyển.

Theo Hiệp hội Thương mại Gia vị Mỹ (ASTA), Chính phủ Mỹ cũng đang thay đổi một số điểm mấu chốt trong quy định với hàng hóa nhập khẩu vào nước này. Theo đó phía Mỹ không chỉ kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu nhập hàng mà sẽ tiến tới kiểm tra hàng hóa tận nơi xuất xứ. Như vậy, mặt hàng hồ tiêu nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị kiểm soát cả quy trình canh tác từ vùng sản xuất, các DN phải chứng minh chất lượng thông qua hồ sơ chứng nhận mỗi khâu: Nguyên liệu - sản xuất - thành phẩm - bảo quản - vận chuyển đến thị trường xuất khẩu. Chứng nhận này phải do đơn vị thứ 3 độc lập của FDA chỉ định.

Gấp rút tái cơ cấu

Nhận định về ngành hồ tiêu Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, hiện hồ tiêu Việt Nam đã chiếm đến hơn 50% sản lượng thế giới nhưng vẫn không chi phối được thị trường, vẫn đứng ở tình trạng bấp bênh. Do đó không cách nào khác là phải tái cơ cấu lại ngành hồ tiêu. Cuộc đua về diện tích và sản lượng sẽ phải chuyển thành cuộc đua về chất lượng. Theo đó, phải kiên quyết cắt giảm diện tích hồ tiêu ở những vùng không có lợi thế, vùng bị bệnh hại nặng để chuyển sang cây trồng khác.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho rằng, xét trên nhiều yếu tố, trong tương lai Việt Nam vẫn sẽ là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, có thể chi phối thị trường gia vị thế giới, vì vậy, cần sớm hình thành sàn giao dịch hàng hoá hồ tiêu để hồ tiêu Việt Nam thực sự trở thành ngành công nghiệp xuất khẩu mang tính chuyên nghiệp cao từ tổ chức sản xuất tới tiêu thụ đồng thời giúp tăng tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro giá cả và thương mại cho cả nông dân trồng hồ tiêu và các doanh nghiệp xuất khẩu. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung công tác quản lý nhà nước về khâu giống tiêu như công nhận giống và nhân giống, vườn giống tiêu để nhân giống chất lượng tốt cho sản xuất; tìm ra quy trình canh tác thích hợp cho từng tiểu vùng sinh thái. Đặc biệt, cần đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất tiêu, nâng cao vai trò của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam trong xây dựng, phát triển chuỗi giá trị tiêu.

Theo các DN chế biến và xuất khẩu hồ tiêu, để phát triển bền vững, ngành hồ tiêu cần phải tuân thủ triệt để quy trình sản xuất để bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu, đồng thời tăng cường khâu chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường hạn chế rủi ro khâu tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương cần có các giải pháp đồng bộ cho phát triển hồ tiêu bền vững, kể cả khâu quy hoạch, kỹ thuật canh tác, công tác bảo vệ thực vật, sau thu hoạch và xúc tiến thị trường.

Hiệp hội Hồ tiêu cũng cho rằng, Nhà nước cần hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý về hóa chất sử dụng trên hồ tiêu, rà soát và nhanh chóng loại bỏ các hoạt chất mà các thị trường nhập khẩu đã hạn chế hoặc cấm nhập. Cùng với đó, cần hoàn thiện bộ tài liệu tập huấn về quy trình canh tác hồ tiêu theo tiêu chuẩn GAP, hoàn thiện nội dung PHI (thời gian cách ly) cho từng loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên hồ tiêu; xây dựng một số mức dư lượng tối đa cho phép cho một số hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật hồ tiêu tương thích với yêu cầu các nước nhập khẩu.

Ngành hồ tiêu Việt Nam cũng cần nhanh chóng kết nối với các tổ chức quốc tế như IPC, ASTA, ESA, Tổ chức Quốc tế của Hiệp hội Thương mại Gia vị (IOSTA) và nhiều tổ chức khác để chia sẻ thông tin về yêu cầu thị trường, về chất lượng... nhằm hỗ trợ sản xuất hồ tiêu Việt Nam đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, cần tổ chức liên kết sản xuất hồ tiêu theo chuỗi, có chứng nhận xuất xứ vùng trồng, giảm bớt trung gian trong khâu thu mua nguyên liệu để có thể kiểm soát được chất lượng, đáp ứng yêu cầu các thị trường lớn, có GTGT tốt như Mỹ, châu Âu…

Theo Hải Quan

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang