Mua hàng trực tuyến: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Mua hàng trực tuyến: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam phát triển mạnh không chỉ thu hút DN trong nước đầu tư, khai thác mà có cả những “ông lớn” như Amazon, Lazada... tham gia. Tuy nhiên, do còn những lỗ hổng pháp lý, nếu người tiêu dùng (NTD) không tỉnh táo sẽ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.


Đầy rẫy hàng nhái bán online

Thông qua TMĐT, người mua chỉ cần “lướt” mạng là mua được hàng hóa cần thiết. Số lượng người sử dụng hệ thống TMĐT để mua sắm đang tăng lên từng ngày. Kéo theo đó xuất hiện rất nhiều các trang mạng bán hàng giả, hàng nhái, thậm chí xuất hiện trên các trang TMĐT lớn như Lazada, Sendo, Vatgia, Muare... NTD khi tìm kiếm để mua đồng hồ, giày dép, đồ thời trang, công nghệ… không khó để bắt gặp hàng giả, hàng nhái được rao bán trên các trang TMĐT bởi mức giá rẻ hơn nhiều lần so với hàng thật. Thậm chí, nhiều cửa hàng bán sản phẩm trên trang TMĐT Sendo, Vatgia, Lazada còn công khai việc sản phẩm rao bán là fake (hàng nhái) hoặc super fake (nhái tinh vi).

NDM_3107.JPG

Hoạt động thanh toán điện tử ngày càng phổ biến trong người dân. Ảnh: Công Hùng

Thực tế cho thấy, trong các tin rao bán sản phẩm đồng hồ của cửa hàng có tên donghosmile trên trang Muare, Vatgia, Sendo… có nhiều mẫu đồng hồ Mont Blanc được ghi là fake hoặc super fake bán với giá 1,1 triệu đồng/sản phẩm. Một cửa hàng khác cũng bán đồng hồ Rolex xà cừ La Mã, ghi là hàng fake bán giá 750.000 đồng, các loại đồng hồ mang nhãn hiệu Armani, Guess, Movado, Tissot… chỉ có giá chỉ vài trăm nghìn đồng đến hơn một triệu đồng/sản phẩm.

Trưởng phòng kinh doanh đại diện hãng đồng hồ RADO tại Việt Nam Mai Xuân Giang cho biết: “Đồng hồ fake tại Việt Nam được nhập chủ yếu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Giá trị thực mỗi chiếc đồng hồ này chỉ từ 200.000 - 1.000.000 đồng/chiếc, trong khi đồng hồ RADO chính hãng loại rẻ nhất giá cũng đã lên đến 7 triệu đồng/chiếc.

Không chỉ đồng hồ, các mặt hàng thời trang khác như giầy, dép nhái nhãn mác cũng được bán online, cụ thể shop Xí Xọn bán dép xỏ ngón Converse ghi là hàng fake, giá 75.000 đồng; Pro Shop bán giày Converse Chuck II bán giày fake giá 360.000 đồng, trong khi giày chính hãng không dưới 1 triệu đồng; hàng loạt cửa hàng khác thì bán khăn, ví, đồng hồ, giày của nhãn hàng xa xỉ Burberry với giá từ 150.000 đồng/sản phẩm.

Cần quy định rõ ràng

Nói về vấn đề quản lý TMĐT, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết: Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có đến 5.259 website TMĐT của tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động. 37% DN đã có website phiên bản di động, 27% DN đã ứng dụng hỗ trợ bán hàng trên nền tảng di động. Tuy nhiên, hoạt động TMĐT trên môi trường mạng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức với cơ quan quản lý bởi các chủ thể hoạt động TMĐT bằng hành vi tương tác, giao dịch điện tử sẽ dễ dàng “xóa dấu vết”, cản trở việc thu thập chứng cứ điện tử trong những trường hợp vi phạm...

Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Khi mua hàng trên mạng, NTD bị rơi vào ma trận giữa trang web bán hàng được cấp phép và chưa được cấp phép, giữa loại hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và hàng giả, hàng nhái, giữa món hàng ảo chỉ có trên hình ảnh và chất lượng thật… Công tác kiểm tra, giám sát loại hình kinh doanh này không hề đơn giản, khác hẳn phương thức thanh tra truyền thống. Bởi người mua hàng đa số là cá nhân không cần lấy hóa đơn, phương thức thanh toán trực tuyến lại đa dạng như thẻ VISA cá nhân, thẻ điện tử…

Thực tế, để ngăn chặn tình trạng lợi dụng TMĐT tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, Bộ Công Thương cần quy định chặt chẽ loại hình kinh doanh này, để bảo vệ NTD khi mua hàng qua mạng. Bên cạnh đó, người dân chỉ nên mua những sản phẩm từ những địa chỉ uy tín, nói không với hàng giả, hàng nhái. Có như vậy mới có thể loại bỏ được những trang TMĐT bán hàng kém chất lượng.

Cái khó trong việc phát hiện và xử lý tình trạng này là hàng hóa mua bán trên mạng không “sờ, nắm” để kiểm tra được ngay mà người mua và có món hàng giả cụ thể, vì nếu không nơi kinh doanh sẽ chối bỏ hành vi buôn bán hàng giả. Chưa kể, hầu hết các giao dịch dạng này đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn.
Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội Phạm Bá Dục

Theo KTĐT 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang