Mỹ rút khỏi thoả thuận Paris về khí hậu: Những hậu quả tai hại

Mỹ rút khỏi thoả thuận Paris về khí hậu: Những hậu quả tai hại

Quyết định rút Mỹ khỏi thoả thuận khí hậu Paris của Tổng thống Donald Trump đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của dư luận quốc tế những ngày gần đây.


Quyết định rút Mỹ khỏi thoả thuận khí hậu Paris đã thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Ảnh: Natural News

Tờ nhật báo Le Temps d’Alger của Algeria đã có bài viết về vấn đề này với nhan đề: “Mỹ rút khỏi thoả thuận Paris về khí hậu: Những hậu quả tai hại cho thế giới”.

Điều khiến mọi người lo ngại trong những tuần gần đây cuối cùng đã xảy ra. Nước Mỹ đã quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu - một quyết định sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và hệ sinh thái trên thế giới. 

Thông báo đã được ông chủ Nhà trắng đưa ra vào ngày 1/6. Tổng thống Trump đã bào chữa cho quyết định này của mình bằng thực tế là “nước Mỹ phải chịu nhiều thiệt thòi” khi thực thi thoả thuận này. Ông muốn, vào một lúc khác, sẽ thúc đẩy những cuộc đàm phán mới để “đạt được một hiệp định công bằng hơn”. 

Thông qua một bài diễn văn dài tại khu vườn của Nhà Trắng, ông Trump đã nói với các chủ thể tham gia đàm phán rằng: “Nếu chúng ta thực hiện thành công thoả thuận, rất tốt. Nếu chúng ta không thể làm được, cũng chả sao”.

Đối với Tổng thống Mỹ, quyết định này “không có nhiều ảnh hưởng đối với môi trường”. Và ông khẳng định thêm: “Tôi không muốn một cái gì có thể cản trở quá trình phục hồi kinh tế của nước Mỹ”. Ông yêu cầu có một thoả thuận khí hậu mới “có các điều khoản công bằng cho nước Mỹ”, đánh giá rằng thoả thuận hiện nay “là chưa đủ cứng rắn đối với Trung Quốc và Ấn Độ”.

Cần phải nói rằng, quyết định của ông Trump không phải là một điều bất ngờ, bởi trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống, Donald Trump đã bày tỏ mong muốn được rút khỏi thoả thuận ký tại Paris, và trong hội nghị thượng đỉnh với các nước G7 vừa qua, các quốc gia thành viên đã không thể đồng ý với đề xuất này và thuyết phục Tổng thống Mỹ tiếp tục tham gia thoả thuận.

Trước tình huống này, các chính phủ thân cận của Mỹ, đặc biệt là ở châu Âu (Berlin, Paris và Roma) đã chính thức phản ứng qua một tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh rằng, trong mọi trường hợp, thoả thuận này không thể đàm phán lại.

Tổng thống Pháp, từ điện Elysée, trong một bài phát biểu trên truyền hình tối 1/6, đã khẳng định sự tôn trọng đối với quyết định của người đứng đầu nước Mỹ, nhưng ông cũng bày tỏ sự nuối tiếc. Ông Emmanuel Macron cũng đã từ chối đàm phán lại thoả thuận này và khẳng định “không có gì đàm phán lại trong thoả thuận Paris”.

Về những hậu quả từ sự rút lui của Mỹ, Tổng thống Pháp đã viện dẫn ra những tác động tiêu cực đối với môi trường và hệ sinh thái của thế giới. “Nếu như chúng ta không hành động, con cháu chúng ta sẽ phải chứng kiến sự di cư, chiến tranh và đói khát trên thế giới […] Điều đó đã bắt đầu”.

Diễn tả bằng tiếng Anh, Tổng thống Pháp đã nhấn mạnh trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia bằng cách phỏng theo một câu khẩu hiệu tranh cử mà Donald Trump thường dùng: “Làm cho thế giới của chúng ta vĩ đại trở lại”.

Pháp đã kêu gọi toàn thể các quốc gia đã tham gia ký kết tiếp tục thực hiện thoả thuận Paris. Trong khi đó, Chính phủ Bỉ đã đánh giá rằng, đối với họ, quyết định trên là “thiếu trách nhiệm” và “làm giảm giá trị những lời nói đưa ra”.

Liên hợp quốc - cơ quan đặt nền móng cho thoả thuận, đã bày tỏ “sự thất vọng lớn”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu - EU và Trung Quốc tại Brussels: “Sự hợp tác của chúng ta ngày hôm nay là quan trọng hơn bao giờ hết”, và đấu tranh chống biến đổi khí hậu “ngày hôm nay quan trọng hơn trước đây”.

Về phần mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, đã cam kết rằng Trung Quốc sẽ “tiếp tục thực hiện những điều khoản đã kí trong thoả thuận Paris”, đồng thời bổ sung thêm rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện thoả thuận này “cùng với sự hợp tác của các nước khác”.

Trong một công báo, Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama - một trong những kiến trúc sư chính của thoả thuận - cho biết ông cảm thấy tiếc nuối với quyết định của người kế vị mình.

Nhiều nhân vật trong giới kinh doanh đã bày tỏ sự thất vọng của mình. Phần nhiều trong số họ là lãnh đạo các công ty, tập đoàn lớn của Mỹ như General Electric, của hãng sản xuất ô tô điện Tesla, Disney, ngân hàng Goldman Sachs…

Các chính trị gia kỳ cựu như Bernie Sanders, John Kerry và tất cả các nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ đã nhất trí lên án quyết định của Donald Trump. Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore đã phản ứng rằng “Đưa nước Mỹ ra khỏi thoả thuận Paris là một hành động không hợp lý và không thể được ủng hộ”.

Để thoả thuận Paris, ký kết tháng 12/2015 có thể thành công, 195 quốc gia thành viên đã cam kết khống chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mỹ được xem là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai toàn cầu, sau Trung Quốc.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang mạng foreignpolicy.com có bài bình luận cho rằng việc hủy bỏ Hiệp định Paris là một thảm họa đối với nước Mỹ bởi một số lý do sau đây:

Thứ nhất, Chính quyền Trump đang đẩy nhanh tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế hiện khẳng định rằng thất bại trong việc ngăn chặn và giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ mang lại các hậu quả thảm khốc, kể cả đối với các thanh niên Mỹ hiện nay và cho các con cháu của họ. 

Ông Donald Trump sẽ phải chứng kiến thêm nhiều thảm họa liên quan đến môi trường nhằm vào chính quê hương của ông. Các con cháu của ông chắc chắn sẽ phải hứng chịu điều này.

Thứ hai, ông Trump đang từ bỏ vai trò lãnh đạo của Mỹ và “mời gọi” Trung Quốc thế chỗ. Trong bài phát biểu tại Vườn Hồng, Tổng thống đã nhấn mạnh rằng Hiệp định Paris chỉ có lợi cho các đối thủ của Mỹ, như Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc rút khỏi hiệp định càng mang về nhiều lợi ích hơn cho Bắc Kinh. Hiệp định Paris được thúc đẩy một phần dựa trên “trụ cột” là thỏa thuận ban đầu giữa Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia phát thải khí carbon nhiều nhất thế giới.

Trong thời gian qua, khi ông Trump còn do dự về việc “đi hay ở”, Trung Quốc đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để giành lấy vị trí lãnh đạo toàn cầu và nói rõ rằng họ sẽ ở lại, cho dù Mỹ có quyết định ra đi.

Các thỏa thuận của châu Âu với Trung Quốc về sản xuất trang thiết bị và cơ sở hạ tầng liên quan đến năng lượng tái tạo chắc chắn sẽ được đề ra. Việc rút khỏi Hiệp định Paris sẽ làm suy yếu vị thế địa chính trị của Mỹ và cản trở những nỗ lực hợp tác của Mỹ với các đối tác và đồng minh để kiểm soát một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Các quốc gia vốn phải gánh chịu các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm các nước có tầm quan trọng chiến lược với Mỹ - như Việt Nam, Philippines hay phần lớn các nước châu Phi - giờ đây sẽ coi Trung Quốc là một phần trong giải pháp cho các vấn đề của họ.

Bên cạnh đó, việc rút khỏi Hiệp định Paris sẽ dẫn đến tạo ra các công ăn việc làm ở Trung Quốc mà lẽ ra sẽ thuộc về Mỹ.

Thứ ba, việc rút khỏi Hiệp định Paris sẽ làm tổn hại vị thế của Mỹ trên thế giới. Quyết định này sẽ làm dấy lên hoài nghi về những lời nói của Mỹ và làm suy yếu khả năng của Washington trong việc kêu gọi sự hợp tác của các quốc gia khác để đối phó với các mối đe dọa toàn cầu khác, ví dụ như chủ nghĩa khủng bố và bệnh dịch./.

Theo TTXVN

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang