Người Thái hiện diện từ sản xuất đến phân phối tại Việt Nam

Người Thái hiện diện từ sản xuất đến phân phối tại Việt Nam

Sau sự kiện công ty con của Tập đoàn SCG tăng sở hữu cổ phần tại Nhựa Bình Minh, doanh nghiệp hàng đầu ở ngành nhựa lên gần 50% vào tuần qua, có thể nhận thấy hình ảnh doanh nghiệp Thái Lan hiện diện khắp nơi tại Việt Nam, từ sản xuất đến phân phối, từ hàng công nghiệp đến tiêu dùng nhanh, từ nông nghiệp đến công nghiệp...


 92523_dsc_0980.jpg

Những hội chợ hàng Thái tại Việt Nam luôn thu hút đông người tiêu dùng. Phân phối hàng tiêu dùng sản xuất tại Thái Lan chỉ là một trong những mảng rất nhỏ mà các doanh nghiệp từ nước này đang làm ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Tâm An
 

Công ty con của Tập đoàn SCG mới mua thêm cổ phần ở Nhựa Bình Minh là NawaPlastic Industries (Saraburi) Co.Ltd. Đây vốn là cổ đông nội bộ ở Nhựa Bình Minh khi đã nắm giữ hơn 16,7 triệu cổ phiếu, tương đương 20,4% cổ phần. Tại phiên đấu giá chào bán cạnh tranh 24.159.906 cổ phiếu Nhựa Bình Minh do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ diễn ra cuối tuần trước, NawaPlastic Industries (Saraburi) Co.Ltd đã bỏ ra 2.329,5 tỉ đồng để mua gần hết lô cổ phần nhà nước bán ra, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 49,9%.

Điểm đáng chú ý là giá nhà đầu tư này đồng ý mua ở phiên đấu giá là 96.500 đồng/cổ phần, cao hơn giá cổ phiếu Nhựa Bình Minh tại phiên giao dịch ngày 9-3 khoảng 17%. Điều đó cho thấy, người Thái quyết tâm nắm giữ lượng lớn cổ phần tại Nhựa Bình Minh như thế nào. Nhựa Bình Minh hiện là nhà cung ứng 700 chủng loại sản phẩm từ nhựa ở Việt Nam, cùng hệ thống 1.500 cửa hàng trên toàn quốc.

Việc sở hữu gần 50% cổ phần Nhựa Bình Minh đã giúp NawaPlastic Industries (Saraburi) Co.Ltd trở thành cái tên mới nhất trong danh sách doanh nghiệp Thái Lan đang nắm giữ lượng lớn cổ phần tại các doanh nghiệp trong nước. Bản thân tập đoàn mẹ của doanh nghiệp này là SCG cũng đã và đang mở rộng không ngừng tại Việt Nam, ở cả ba lĩnh vực chính kinh doanh gồm bao bì, hóa dầu và xi măng. Mới nhất, SCG vừa khởi công dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam tại Bà Rịa-Vũng Tàu sau 10 năm được cấp giấy phép. Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu phục vụ ngành nhựa trong nước cũng như xuất khẩu.

Một cái tên khác được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông trong thời gian gần đây là tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi và tập đoàn mà ông sở hữu BJC. Tập đoàn này từ năm 2013 đã liên doanh với Công ty Phú Thái của Việt Nam để mở chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s Mart, sau khi đẩy nhà đầu tư Nhật Bản sở hữu chuỗi Familymart “sang một bên”. Đến năm 2014, BJC thắng trong cuộc đua với nhà đầu tư cùng quốc tịch là Central Group để sở hữu chuỗi Metro Cash & Carry tại Việt Nam và đổi tên thành MM Mega Market. Công ty con của tập đoàn này ở Singapore là F&B cũng bỏ không ít tiền để nắm giữ cổ phần ở Vinamilk, doanh nghiệp hàng đầu ngành sữa. F&B cũng liên tục đăng ký mua thêm cổ phiếu Vinamilk trên sàn trong suốt năm qua.

Tuy nhiên, gây ấn tượng nhất có lẽ là thương vụ mua 53,39% cổ phần tại doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam – Sabeco hồi cuối năm 2017 vừa qua. Để nắm giữ lượng lớn cổ phần mà nhà nước bán ra trong đợt thoái vốn “lịch sử” này, vị tỉ phú nói trên đã lập công ty pháp nhân Việt Nam với vốn điều lệ hơn 681,6 tỉ đồng nhưng đã bỏ ra 109.966 tỉ đồng để mua gần nguyên lô cổ phần. Mức giá của Sabeco khi Bộ Công Thương thoái vốn, 320.000 đồng/cổ phần, cũng là giá mà ông Charoen Sirivadhanabhakdi chấp nhận mua, cũng được đánh giá là cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Nói như một người có liên quan đến tập đoàn này thì đây là kết quả của quá trình chuẩn bị gần 4 năm trời, không phải là câu chuyện ngày một ngày hai.

Xa hơn chút, từ 2016 thì có thể nhắc đến Công ty Siam City Cement Public Company Limited đã nhận chuyển nhượng 65% cổ phần của Tập đoàn LafargeHolcim trong Công ty LafargeHolcim Việt Nam. 

Trước đó thì có Tập đoàn Central mua lại chuỗi Big C ở Việt Nam từ nhà đầu tư Pháp; mua 49% cổ phần trong Công ty Thương mại Nguyễn Kim, sở hữu chuỗi trung tâm điện máy Nguyễn Kim.

Kỳ cựu hơn là Tập đoàn CP, doanh nghiệp không chỉ đang nắm thị phần lớn ở ngành thức ăn chăn nuôi, ngành trứng gia cầm, thịt gia súc (heo) mà còn đã có mạng lưới cửa hàng bán lẻ khá rộng khắp. Đó là chưa kể chuỗi kiôt chuyên thức ăn nhanh Five Star đang phát triển không ngừng…

Vài nét phác họa kể trên cho thấy, người Thái đã hiện diện gần như khắp các lĩnh vực tại Việt Nam, từ sản xuất đến bán lẻ, từ chăn nuôi đến phân phối sản phẩm từ các trang trại; từ công nghiệp đến nông nghiệp…

Việc có mặt ở những lĩnh vực quan trọng, chẳng hạn như dịch vụ bán lẻ đã giúp cho hàng hóa sản xuất từ Thái Lan càng dễ dàng có mặt tại Việt Nam và ngày càng được người tiêu dùng ưa thích. Một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu nước tăng lực từ Thái Lan cho biết, hàng hóa có nguồn gốc từ Thái Lan thì tỷ lệ có mặt tại các chuỗi siêu thị ở Việt Nam đã là 50%, còn đối với các siêu thị thuộc sở hữu của doanh nghiệp Thái thì tỷ lệ này phải là 100%.

Sự hiện diện ngày càng sâu, rộng của người Thái tại Việt Nam, theo nhận xét của nhiều chuyên gia, là kết quả tất yếu của quá trình chuẩn bị lâu dài ở mọi mặt để vươn ra khu vực của các doanh nghiệp Thái Lan. Đứng đằng sau là sự hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ của họ. Và khi cơ hội đến, các doanh nghiệp chỉ việc hiện thực hóa.

Theo KTSG

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang