Hội thảo “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh” do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 19/4.
Chia sẻ tại Hội thảo “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh”, bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng Công ty Nielsen Việt Nam khu vực phía Bắc cho biết, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề “xanh” và “sạch”. Đặc biệt, khảo sát cho thấy họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch”. Cụ thể, hơn 4 trong 5 người Việt sẵn sàng chi trả cao hơn để mua các sản phẩm có cam kết về những tác động tích cực đến môi trường và xã hội. 80% người tiêu dùng lo ngại các tác hại lâu dài của các nguyên liệu nhân tạo và 79% sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm không chứa các nguyên liệu mà họ không mong muốn.
Theo xu hướng tiêu dùng đó, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh thương hiệu và hiệu quả kinh doanh bằng cách xây dựng niềm tin vào nhãn hàng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm cảu việc phát triển sản phẩm, gắn phát triển sản phẩm với cam kết bền vững.
Bà Hà cho biết thêm, khảo sát chỉ ra những thương hiệu sản xuất sạch và cam kết đem lại sản phẩm xanh và sạch có mức độ tăng trưởng cao gấp 4 lần so với doanh nghiệp cùng ngành. Đặc biệt, trong ngành thực phẩm nước giải khát, mức tăng trưởng 2-11%. Một số nhãn hàng của Việt Nam như bóng đèn điện quang, Ecopark, Unilever đã có mức tăng trưởng cao nhờ sản xuất “xanh”. Unilever cũng tăng trưởng 30% khi thể hiện cam kết của mình về sản phẩm “sạch”.
Sản phẩm bóng đèn của CTy CP Bóng đèn Điện Quang là một trong những sản phẩm xanh của Việt Nam.
Bên cạnh đó, để thực hiện được xanh hóa nền kinh tế thì việc xây dựng thương hiệu, đặc biệt phát triển thương hiệu gắn với yếu tố xanh – sử dụng nguyên vật liệu, công nghệ thân thiện, đưa ra các sản phẩm “sạch”, đảm bảo môi trường ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm như trên, ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, rõ ràng người tiêu dùng có niềm tin vào hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ, chất liệu sản phẩm như hàng "xách tay" nên họ chọn mua. Đến khi nào Việt Nam sẽ cho ra đời sản phẩm có nhãn xanh, mà người tiêu dùng cứ thấy là mua, không e ngại. Để làm được như vậy, những người tiêu dùng thông thái nên làm gì đó để biến trái đất thành một nơi tốt hơn để sống. Và việc có ích đầu tiên là nên bắt đầu mua các sản phẩm có thương hiệu xanh.
Bởi vậy, chất lượng “xanh”sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp giúp chiếm lĩnh thị phần tốt hơn. Để xây dựng chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh, doanh nghiệp cần xây dựng được hình ảnh thương hiệu, sử dụng công nghệ giảm thiểu năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả. Đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, thực tế, để phát triển thương hiệu “xanh” ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Trong đó, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ là mâu thuẫn giữa 2 mục tiêu: lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Vì phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh. Ngoài ra còn có vấn đề về công nghệ. Công nghệ xanh trên thế giới thì có rất nhiều, nhưng thực tế áp dụng ở Việt Nam thì còn hạn chế nhất định. Doanh nghiệp có thể được chuyển giao công nghệ xanh hiện đại nhưng đôi khi yếu tố con người, trình độ năng lực chưa theo kịp.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Việt Nam mong muốn có khoảng 10 thương hiệu lớn trên thế giới, nhưng con số này còn ít. "Nếu chúng ta không có thương hiệu thì gạo, cà phê, tôm... sẽ mãi mù mịt"- ông Lê Đăng Doanh cảnh báo.
Do vậy, đề xuất cách khắc phục những khó khăn kể trên, các đại biểu tham dự đã cùng đưa ra nhiều ý kiến thảo luận tại Hội thảo. Ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, cần có những chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, đặc biệt trong môi trường hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế – Lưu Bích Hồ đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong thúc đẩy phát triển thương hiệu xanh. Theo chuyên gia, khâu quản lý, giám sát phải được thực hiện tốt, tạo sự minh bạch mới xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng. Cần truyền thông rộng rãi để không chỉ doanh nghiệp mà cả người tiêu dùng nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất xanh, tiêu dùng xanh.
Theo DĐDN
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI