Phát triển xanh: Yếu tố quyết định sự tăng trưởng bền vững

Phát triển xanh: Yếu tố quyết định sự tăng trưởng bền vững

Chỉ có xây dựng được thương hiệu, doanh nghiệp mới không lo bị lép vế trên sân nhà cũng như khi bước ra thị trường thế giới. Và điều kiện cần hiện nay để xây dựng được thương hiệu chính là doanh nghiệp phải hướng đến phát triển xanh và sạch. Đó là ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý tại Hội thảo "Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh" do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức mới đây tại Hà Nội.  


Vũ khí chiến lược của doanh nghiệp

Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng chung của thế giới hiện nay là phát triển xanh và sạch. Chỉ khi duy trì được hai yếu tố này, cộng đồng doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững và không lo bị giảm sức cạnh tranh khi hội nhập quốc tế.

Tại hội thảo, ông Vũ Xuân Trường - Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ, xây dựng và phát triển thương hiệu xanh đã có từ lâu trên thế giới, nhiều tập đoàn cũng như công ty đa quốc gia nổi tiếng đã thực hiện chủ trương và định hướng này từ hàng chục năm qua. Đơn cử như thương hiệu đồ ăn nhanh McDonald đã chủ trương bọc sản phẩm bằng túi giấy thay vì túi PE, đồng thời tất cả các khâu tiếp thị của họ đều thực hiện một chủ trương rất rõ ràng: Đảm bảo xanh, sạch, giảm thiểu chi phí. Và hình ảnh McDonald đã trở nên thân thiện hơn với người dùng.

Theo ông Trường, chiến lược xanh là vũ khí được nhiều doanh nghiệp trên thế giới áp dụng để cạnh tranh tốt hơn khi tạo được sự khác biệt cũng như đảm bảo được sức khỏe tốt cho người tiêu dùng. Tại Việt Nam, cũng có một số doanh nghiệp đã đi theo xu hướng này, chẳng hạn như đô thị xanh EcoPark, bóng đèn Điện Quang sử dụng năng lượng mặt trời, cam Kỳ Yến (cam Vinh) cam kết sản xuất sạch, giao trực tiếp từ trang trại đến tay người tiêu dùng.... Tuy nhiên, đây chỉ là số ít doanh nghiệp Việt có tầm nhìn chiến lược và dài hạn, phần lớn các doanh nghiệp vẫn còn loay hoay với mục tiêu phát triển của mình.

Tạo dựng chữ tín là yếu tố quan trọng

Theo ông Vũ Xuân Trường, để xây dựng chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh, doanh nghiệp cần xây dựng được hình ảnh cho riêng mình, sử dụng công nghệ giảm thiểu năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả. Đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường…. Tuy nhiên, trên thực tế, phát triển thương hiệu xanh ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.


Không gian xanh tại Khu đô thị Ecopark

Theo đó, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp được vị chuyên gia này nêu ra chính là mâu thuẫn giữa 2 mục tiêu: lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Vì phần lớn doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh. Ngoài ra còn có vấn đề về công nghệ, công nghệ xanh trên thế giới thì có rất nhiều, nhưng thực tế áp dụng ở Việt Nam thì còn hạn chế nhất định. Doanh nghiệp có thể được chuyển giao công nghệ xanh hiện đại, nhưng đôi khi yếu tố con người, trình độ năng lực chưa theo kịp.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, không chỉ là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu và hướng tới nền sản xuất xanh, bản thân người tiêu dùng cũng cần phải thay đổi thói quen tiêu dùng của mình. Một vấn đề ở đây khiến nhiều doanh nghiệp khá nản khi bước vào sản xuất xanh, đó là thực trạng chi phí đầu tư cao và giá thành sản phẩm cao nên không thu hút được người tiêu dùng. Khi thay đổi được thói quen của người tiêu dùng, chắc chắn số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này sẽ lớn hơn rất nhiều, khi đó mục tiêu phát triển bền vững, xanh và sạch là không khó.

Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu (Đại học Thương mại), thực tế, người tiêu dùng rất muốn mua và sử dụng các sản phẩm xanh nhưng không phải ai cũng tình nguyện bỏ ra một số tiền lớn để mua những sản phẩm xanh, sạch, một phần lý do là bởi họ không biết có sạch thật hay không. Bởi vậy, để tạo được niềm tin cũng như thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược phát triển, mục tiêu cũng như tầm nhìn của cộng đồng doanh nghiệp.

Nói về câu chuyện niềm tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp hiện nay, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng - Đại diện Công ty Nielsen Việt Nam cho rằng, uy tín là yếu tố làm nên thương hiệu cho doanh nghiệp Việt. Để cạnh tranh trên thị trường, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến. Theo đó, doanh nghiệp cần xây dựng niềm tin bằng cách thực hiện các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, bên cạnh đó luôn đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng lên trên hết, chỉ có như vậy doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững.

Theo Kinhtevn

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang