Phí "đè" doanh nghiệp vận tải: Giảm phí để tăng sức cạnh tranh

Phí "đè" doanh nghiệp vận tải: Giảm phí để tăng sức cạnh tranh

 

Theo các chuyên gia, giải pháp quan trọng giúp giảm chi phí logistics là giảm phí cầu đường, kết nối đồng bộ giao thông đường thủy nội địa.

 


Chiếm từ 40 - 60% chi phí logistics, phí vận tải quá cao hiện nay là nút thắt lớn ảnh hưởng đến giá thành hàng hóa, chi phí chuỗi giá trị hàng hóa và năng lực cạnh tranh của hàng hóa VN.

Kiến nghị giảm phí cầu đường để tiết giảm chi phí logistics /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Kiến nghị giảm phí cầu đường để tiết giảm chi phí logistics

Kiến nghị giảm 30% phí bảo trì đường bộ

Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics VN (VLA) cho rằng cơ quan quản lý cần tập trung vào việc giảm các chi phí có thể tác động được thuộc quyền ban hành chính sách như giá nhiên liệu, phí cầu đường, phí BOT… và có biện pháp điều chỉnh thị phần của các loại hình vận tải để giảm tải cho đường bộ.

Cụ thể, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM Nguyễn Văn Chánh kiến nghị Chính phủ xem xét giảm 30% phí bảo trì đường bộ cho các DN vận tải hàng hóa, đặc biệt đối với các xe chở hàng khối lượng lớn. Bên cạnh đó, thay đổi cách tính toán chi phí tại các trạm BOT hiện nay. Theo ông Chánh, các chủ đầu tư BOT hiện nay khi tính toán giá vé đưa cả tiền lãi ngân hàng vào và chưa quyết toán công trình cộng các yếu tố khác nên chi phí BOT cao, chưa phù hợp với lợi ích của các DN vận tải. “Cần có những ưu đãi, giảm giá BOT cho các xe vận tải hàng hóa. Nhanh chóng áp dụng thu phí điện tử công khai, minh bạch tại tất cả các trạm BOT trên cả nước để xảy ra tiêu cực”, ông đề xuất và nhấn mạnh để gỡ khó cho DN vận tải, cần sự vận động thay đổi từ cả DN lẫn nhà nước. Đối với DN, nhanh chóng tự cải tiến các phương thức, ứng dụng khoa học công nghệ… để nhanh chóng quay vòng phương tiện, tăng năng suất vận chuyển. Nhà nước ngoài xem xét giảm chi phí cầu đường, cần tính toán lại trong quy hoạch, đầu tư các cảng kết nối đường sắt, đường thủy, quy hoạch khu công nghiệp từ nơi sản xuất đến nơi vận chuyển gần, giảm thời gian vận chuyển, giảm quãng đường, từ đó giảm chi phí cho DN.

Phân luồng hàng về các cảng

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải, nhận định hiện nay hàng đổ về cảng Cát Lái gây rất nhiều hệ lụy, tắc nghẽn cả dưới nước và trên bờ, tăng chi phí vận tải gấp nhiều lần. Cần có những chính sách để phân bố luồng hàng về các cảng khác như Cái Mép, Hiệp Phước... để giảm tải Cát Lái.

Cục Hàng hải kiến nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu rà soát áp dụng chính sách ưu đãi về phí hàng hải (tàu trọng tải dưới 50.000 DWT) để khuyến khích tàu feeder (tàu ghim hàng) tuyến nội Á ghé Cái Mép, phát triển cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng “đầu mối” trung chuyển quốc tế. Đồng thời xem xét giảm phí, mật độ đặt trạm thu phí BOT qua các trạm từ TP.HCM đi Vũng Tàu, giảm phí đường bộ qua 3 trạm thu phí trên các trục đường bộ kết nối khu vực Cái Mép - TP.HCM. Đồng thời tổ chức bán vé tháng linh hoạt hơn tại tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (vé tháng tính theo đúng số ngày từ thời điểm khách hàng mua vé) để giảm phí cho các phương tiện vận chuyển container giao nhận tại Cái Mép.

Cục này cũng kiến nghị Bộ GTVT ban hành thông tư thay thế quyết định về biểu khung giá dịch vụ tại cảng biển để bảo đảm tính cạnh tranh và thu hút nguồn hàng tại cảng khu vực đồng bằng sông Cửu Long và bến cảng Cái Mép.

“Tổng công ty Tân Cảng cần phối hợp chặt chẽ với DN dịch vụ logistics, vận tải trong việc phân luồng, thu hút hàng về các khu vực ICD Tân Cảng Sóng Thần ở Bình Dương, ICD Tân Cảng Long Bình ở Đồng Nai, cảng Tân Cảng Hiệp Phước phía nam TP, ICD Tân Cảng Nhơn Trạch bằng cách hỗ trợ tối đa về mặt thủ tục; giảm phí hoặc thu bằng với phí về các ICD khu vực Thủ Đức và Cát Lái; cho phép trả rỗng tại chỗ hoặc tại các depot gần khu vực tương ứng, đặc biệt quan tâm đến việc mở code rỗng, tăng cường lượng rỗng tại ICD Tân Cảng Nhơn Trạch và ICD Tân Cảng Long Bình”, ông Sang đề xuất.

Theo Thanh niên

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang