Một trường hợp bị ngộ độc rượu. Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, thời gian qua Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất rượu có cồn đã vào cuộc mạnh mẽ trong việc truyền thông, khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng rượu bia một cách có trách nhiệm. Tuy nhiên việc lạm dụng rượu và ngộ độc rượu có chứa methanol có nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm vẫn còn nhiều ca phải nhập viện, thậm chí tử vong vì ngộ độc rượu. Nhiều trường hợp là do uống rượu liên tục trong thời gian ngắn, chỉ từ 8 -12 tiếng nhưng nhiều trường hợp đáng tiếc lại do sử dụng sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, các nạn nhân phần lớn lại là người nghèo, sinh viên, người trẻ tuổi chưa đủ nhận thức, còn ham sản phẩm rẻ.
Theo các chuyên gia, methanol là dạng rượu cồn đơn giản nhất, là chất lỏng nhẹ, bay hơi, không màu, dễ cháy với mùi vị đặc trưng rất giống với ethanol (loại rượu uống được). Tuy nhiên, không giống rượu ethanol, methanol có độc tính cao và không thích hợp để uống.
Ông Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ngộ độc methanol ở Việt Nam hầu hết là do các loại rượu chưa được kiểm soát. Thường đến viện muộn, tình trạng nặng và trường hợp tử vong rất cao. Trong khi đó đầu tư y tế hạn chế.
Theo ông Nguyên, trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý, không thể trách người dân không thông thái. Vì vậy cần phải quản lý chặt khâu sản xuất và kinh doanh rượu ở các địa phương.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Trung Nguyên, ông Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa) cũng nhấn mạnh, methanol gây tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não, tổn thương nội tạng. Bình thường ở ngưỡng 20 mg/dl đã đe doạ tổn thương thần kinh, trên 40 mg/dl là ngộ độc nặng.
Do vậy, theo ông Thịnh, để chống ngộ độc methanol các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất rượu, có chế tài xử phạt thật nặng với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc. Đồng thời hướng dẫn cho người dân về quy trình công nghệ tốt nhất và phù hợp để sản xuất rượu. Chủ động sản xuất thiết bị dụng cụ dùng nấu rượu để có thể giảm thiểu methanol xuống dưới mức quy định. Các cơ quan đoàn thể nên vận động người dân kiềm chế uống rượu.
Đề cập đến những quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và sản xuất kinh doanh rượu, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) cho biết, hiện nước ta chưa sản xuất được methanol mà chủ yếu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Về nguyên tắc người sản xuất rượu không được mang methanol pha với rượu, vì chỉ một tỷ lệ nhỏ cũng dẫn đến tử vong. Do đó không có rượu methanol mà chỉ có rượu pha một tỷ lệ nhất định với methanol.
Cũng theo ông Cường, trong Luật An toàn thực phẩm quy định, kinh doanh thực phẩm là kinh doanh có điều kiện, vì liên quan tới sức khoẻ con người. Rượu là hàng hoá Nhà nước không khuyến khích kinh doanh, chưa thấy lợi nhưng cái hại rất nhiều nên không khuyến khích kinh doanh và phải quản lý chặt. Bên cạnh đó, sản phẩm rượu bắt buộc phải gắn nhãn, tên sản phẩm và các thành phần trong đó buộc phải ghi rõ và dù có được cấp phép từ cấp bộ thì vẫn phải đăng ký với chính quyền địa phương.
Do đó, vai trò chính quyền địa phương là quan trọng để thực thi, nếu ra tay quyết liệt thì hộ kinh doanh rượu không có giấy phép thì dừng hoạt động.
Theo Thanh tra
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI