TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI), Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đồng thuận với phần lớn dự báo gần đây đánh giá Việt Nam vẫn kiểm soát được lạm phát ở mức dưới 4,5%.
Phóng viên: Nửa đầu năm 2024, CPI và CPI cơ bản tăng lần lượt 4,1% và 2,8% so với cùng kỳ. Theo ông, đâu là những thách thức, yếu tố mới có thể tác động đến việc quản lý giá, kiềm chế lạm phát nửa cuối năm?
TS. Võ Trí Thành: Chúng ta cần phải quan tâm, năm nay quá trình thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế gắn với kiềm chế lạm phát, theo Quốc hội đề ra tương đối thấp là dưới 4,5%. 6 tháng đầu năm, lạm phát có xu hướng ít nhiều tiệm cận mục tiêu đã đặt ra. Áp lực và rủi ro lạm phát có thể tăng vẫn còn.
Thứ nhất, liên quan nhiều tới giá cả bên ngoài. Lạm phát do chi phí đẩy giá cả một số mặt hàng như năng lượng, lương thực, chuỗi cung ứng... Các yếu tố này có rủi ro do liên quan chiến tranh, địa chính trị hay thời tiết, biến đổi khí hậu mà chúng ta không kiểm soát được.
Thứ hai, một số mặt hàng mà Nhà nước kiểm soát cũng có chiều hướng cần phải tăng như dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện.
Thứ ba, câu chuyện liên quan chuyển giá từ tỷ giá qua giá cả trong nước. Tỷ giá từ đầu năm tăng khoảng 4,9%, ít nhiều cũng gặp áp lực chuyển giá qua tỷ giá.
Ngoài ra, từ ngày 1/7 chúng ta tăng 30% lương cơ sở cho công chức, viên chức, cũng có phần tạo áp lực…
Phóng viên: Ông có thể phân tích rõ hơn các thách thức trên?
TS. Võ Trí Thành: Theo nhiều dự báo, giá năng lượng, giá dầu sẽ ở quanh mức hiện nay. IMF còn nhận định giá dầu năm nay có thể giảm chút. Đây là tin tốt và chúng ta hy vọng diễn biến như vậy.
Nhiều con số cho thấy biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan có thể không quá lớn để tác động tới lương thực. Ngay tại Ấn Độ có thể nới vấn đề hạn chế xuất khẩu do được mùa. Đó là thông tin dự báo và chúng ta cũng hy vọng như vậy.
Yếu tố chi phí đẩy liên quan chuỗi cung ứng hy vọng không căng thẳng quá mức.
Ở trong nước, về tỷ giá, nhiều dự báo tính toán tỷ giá tới cuối năm giảm so với hiện nay, bởi:
Một là, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ giảm lãi suất ít nhất một lần vào cuối năm, theo đó áp lực lên tỷ giá cũng giảm.
Hai là, liên quan lãi suất qua đêm, Ngân hàng Nhà nước cũng nỗ lực làm cho thu hẹp chênh lệch VND và USD, giảm áp lực trên thị trường trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng, cũng kìm áp lực mất giá tiền đồng.
Ba là, về tổng thể, thương mại có thể có thặng dư. Cuối cùng là câu chuyện về vàng, liên quan nhập lậu. Nếu bình ổn được cũng giảm áp lực lên tỷ giá. Khi áp lực tỷ giá giảm, câu chuyện chuyển giá qua tỷ giá từ bên ngoài vào cũng giảm.
Liên quan đến tăng lương, tổng số tiền chi cho việc tăng lương không phải quá lớn, do khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế, chưa đến 8% số lao động.
Liên quan tới những mặt hàng Nhà nước kiểm soát, tinh thần Thủ tướng Chính phủ nói rõ, về nguyên tắc các mặt hàng chuyển theo đòi hỏi của thị trường. Tuy nhiên, năm nay có thể cần phải tính toán về thời điểm, tần suất, mức tăng giảm các mặt hàng, gắn với tình hình thực tiễn diễn biến lạm phát gắn với mục tiêu đã đề ra.
Phóng viên: Ngoài các yếu tố được coi là thách thức cho câu chuyện kiểm soát lạm phát trong tầm mục tiêu đề ra còn có các yếu tố nào khác giúp giảm bớt lạm phát trong năm 2024, thưa ông?
TS. Võ Trí Thành: Chúng ta thấy, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng sau khi loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2023 tăng 8,8%). Tăng cung tiền, vốn khá nhạy với lạm phát lõi. Lạm phát lõi 6 tháng đầu năm chỉ 2,75%. Với mức tăng trưởng tín dụng, tăng cung tiền nửa đầu năm ở mức vừa phải cũng góp phần giúp chúng ta có thể kiểm soát được. Hay chính sách kích cầu và hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí doanh nghiệp, hạn chế chi phí đẩy, là duy trì giá trị gia tăng 8% hết năm nay.
Phóng viên: Vậy, ông đánh giá ra sao về khả năng chúng ta cán đích mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay?
Với tất cả những yếu tố trên, tôi đồng thuận với phần lớn dự báo gần đây đánh giá chúng ta vẫn kiểm soát được lạm phát ở mức dưới 4,5%.