Thị trường vốn là cấu phần quan trọng của thị trường tài chính - nơi cung ứng nguồn vốn trung hạn và dài hạn, góp phần huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, tạo nền tảng vật chất thiết yếu để nền kinh tế quốc gia tăng trưởng. Theo TS.Lê Minh Nghĩa – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA): Trong bối cảnh hướng tới kỷ nguyên vươn mình phát triển bứt phá, thị trường vốn còn là động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Nền kinh tế đang dựa vào ngân hàng
Theo mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 31/2021/QH15 đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP... Theo các chuyên gia, đây là một mục tiêu đầy tham vọng.
Tính đến cuối tháng 8/2024, giá trị vốn hóa đạt hơn 7 triệu tỷ đồng (280 tỷ USD), tăng 19,1% so với cuối năm 2023, tương đương 69,2% GDP ước tính năm 2023.
Quy mô thị trường vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực. Sản phẩm còn ít, chưa đa dạng. Tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao. Hạ tầng còn hạn chế. Niềm tin của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào thị trường vốn chưa thực sự hồi phục. Nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững...
Theo Chủ tịch VFCA, dù thị trường vốn đã có bước phát triển dài trong những năm qua nhưng tiềm ẩn nhiều thách thức và rủi ro.
Cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp còn kém bền vững, chủ yếu được phát hành bởi nhóm ngân hàng và bất động sản. Thị trường cổ phiếu biến động nhất trong khu vực, vẫn còn cách xa các chỉ tiêu đề ra cả về chất và lượng. Hai năm qua, thị trường bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng thấp kỷ lục. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang gia tăng trong khi bộ đệm dự phòng của không ít ngân hàng đang mỏng dần.
Nhấn mạnh vốn đầu tư đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế, TS Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế Ban Kinh tế Trung ương lưu ý rằng mức độ đầu tư của Việt Nam đang thấp nên quan hệ giữa đầu tư và tăng trưởng chưa cao.
Nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc lớn vào ngân hàng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp – kênh huy động vốn trung và dài hạn - lại chỉ có sự tham gia chủ yếu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản.
Thiếu hụt sự đa dạng về kênh huy động vốn khiến nhiều doanh nghiệp Việt khó tiếp cận nguồn vốn. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà ngay cả các doanh nghiệp trung bình cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp không thể “lớn”, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế.
“Việc “dựa dẫm” quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng có thể gây ra nhiều rủi ro lớn khi sức khỏe của hệ thống ngành ngân hàng đang có nhiều tín hiệu báo động, chẳng hạn như rủi ro nợ xấu tăng cao”, theo TS.Nguyễn Tú Anh. Một nền kinh tế phát triển không thể dựa mãi vào ngân hàng.
Đã có câu hỏi đặt ra: Tại sao gần 20 năm VN-Index vẫn loanh quanh 1.200 điểm, trong khi Dow Jones đã tăng gấp 3-4 lần? Rõ ràng thị trường Việt Nam chậm phát triển.
Đầu tư là động lực tăng trưởng chính
Việt Nam đang thiếu các định chế tài chính, các quỹ quản lý đầu tư chuyên nghiệp, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiingroup cho hay. Các quỹ đầu tư nước ngoài, có nhu cầu đầu tư đa kênh rất lớn, vào trái phiếu và cổ phiếu, thậm chí trái phiếu chính phủ một phần.
Cũng theo ông Thuân, điều này cho thấy còn tiềm năng rất lớn cho hoạt động của các quỹ, nhưng thị trường còn nhỏ. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư qua các quỹ, đầu tư lâu dài nên họ rất ít khi lỗ, còn ở thời điểm hiện tại nhà đầu tư cá nhân thì dễ lỗ hơn, một phần do tư duy “lướt sóng”.
Gợi mở về chính sách để thị trường vốn Việt Nam, có nhiều giải pháp được đưa ra, đó là: Khuyến khích các doanh nghiệp trên UPCoM chuyển sang sàn niêm yết và nâng cao hoặc rà soát chuẩn niêm yết hoặc để các công ty tăng cường quản trị doanh nghiệp và minh bạch; Cải thiện hơn nữa chất lượng công bố thông tin; Triển khai hoạt động xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp; Hình thành khung pháp lý cho các công ty bảo lãnh trái phiếu và xây dựng nền tảng mềm (đường cong lãi suất, lịch sử vỡ nợ…); Sửa đổi quy định để phát triển nhà đầu tư tổ chức: cho phép các định chế tài chính tham gia sâu hơn vào trái phiếu doanh nghiệp dựa trên khung quản trị đầu tư dựa trên rủi ro.
Cấp thiết thúc đẩy phát triển quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ bảo hiểm, cũng là một giải pháp. Dư địa phát triển của các quỹ bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam còn rất lớn. Các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện và các quỹ từ các công ty bảo hiểm đã và đang có những đóng góp rõ nét vào sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam. Để phát triển các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện cần sự hỗ trợ từ chính sách thuế khi mức hỗ trợ hiện tại không đủ cho sự tham gia trước hết là của các tầng lớp trung lưu, sau đó là các tầng lớp khác trong xã hội.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh lại cho rằng câu chuyện “nóng hổi” nhất hiện nay là nâng hạng thị trường chứng khoán. Đây cũng là mục tiêu mà ngành chứng khoán Việt Nam đã theo đuổi trong nhiều năm. “Nâng hạng” là kỳ vọng tạo sức bật cho thị trường chứng khoán Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.