Theo Savills Việt Nam, trong quý I/2018, tổng nguồn cung bán lẻ tại TP. HCM khoảng hơn 1,2 triệu m2 sàn với 73.000 m2 sàn mới từ 3 siêu thị và 2 trung tâm mua sắm vừa được khai trương; ba dự án đóng cửa và 3 dự án đổi chức năng, tổng cộng giảm 39.200 m2 sàn.
Trung tâm thương mại Aeon Tân Phú luôn đông người như thế này vào mỗi dịp lễ hoặc cuối tuần.
Giá thuê trung bình giảm 1% theo quý, công suất thuê trung bình giảm 1% do nguồn cung mới tại khu vực ngoài trung tâm có giá thuê và công suất thuê thấp.
Các thương hiệu thời trang mới và thương hiệu thực phẩm – thức uống (F&B) quốc tế gia nhập, thay thế những thương hiệu kém thu hút. Doanh thu bán lẻ tăng cao ở mảng F&B, quần áo và vật dụng gia đình.
Tiện ích tự động và mua hàng trực tuyến trở nên phổ biến, thương mại điện tử liên tục thu hút đầu tư, nổi bật nhất là sự tham gia bước đầu thị trường Việt Nam của Amazon.
Theo ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam, ngành bán lẻ Việt Nam đang trải qua quá trình biến chuyển và tiến hóa mạnh mẽ.
“Trong quá khứ, những loại hình bán lẻ đương đại rất hiếm thấy, giờ thì hàng loạt sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường. Nhiều trung tâm mua sắm mọc lên với những thiết kế thời thượng, đẹp mắt. Ngành bán lẻ đang thay đổi từng ngày và điều này cũng ảnh hưởng khá lớn đến hành vi tiêu dùng.
Ở thời gian tới, chúng ta sẽ còn có dịp chứng kiến rất nhiều những mô hình bán lẻ mới, với những tiện ích hiện đại phục vụ tối đa nhu cầu trải nghiệm, giải trí lẫn sáng tạo. Thêm vào đó, thị trường thương mại điện tử cũng đang lớn mạnh không ngừng cùng sự phát triển như vũ bão của các loại công nghệ thông minh”, ông Troy Griffiths nhận xét.
Ông Troy nhận định, đối với những nhà bán lẻ nước ngoài muốn tham gia vào thị trường Việt Nam, nếu họ không chú ý đến những tiềm năng từ thị trường cũng như sự năng động ở kết cấu dân số trẻ và đặc biệt là thói quen sử dụng điện thoại thông minh, sẽ rất khó thành công.
Việc am hiểu khách hàng, nhất là người tiêu dùng tại Việt Nam, vốn là một điều không dễ dàng. “Sân chơi” bán lẻ ở Việt Nam không dành cho những ai chỉ chú tâm nhìn vào sự màu mỡ của một thị trường đang lên mà thiếu sự kiên định, quyết đoán tìm hiểu đến tận cùng bản chất của thị trường.
“Điều đầu tiên cần thiết với các nhà bán lẻ nước ngoài là phải am hiểu sâu sắc một thị trường mới. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều thành công lẫn thất bại của các đơn vị. Bài học rút ra là, nên tìm hiểu kĩ trước khi triển khai bất kì giai đoạn nào.
Thị trường Việt Nam đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi cho các nhà bán lẻ; là thời điểm lý tưởng để nhanh chóng mở rộng thị trường, do người tiêu dùng có thu nhập cao và sở thích mua sắm đa dạng đang tăng lên nhanh chóng. Nói chung, đây là một thời khắc thú vị!”, Phó giám đốc điều hành của Savills Việt Nam khẳng định.
Ví dụ sinh động nhất cho nhận định của lãnh đạo Savills Việt Nam chính là tình cảnh của 2 nhà bán lẻ Nhật Bản vào năm 2017.
Gần giữa tháng 5/2017, thị trường bán lẻ Việt Nam xôn xao khi Reuters cho biết, Family Mart có thể rút khỏi thị trường Việt Nam vì thua lỗ.
Reuters dẫn lời ông Koji Takayanagi, Chủ tịch Tập đoàn Family Mart UNY, đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn thứ hai tại Nhật Bản tiết lộ, Family Mart sẽ không “đổ thêm nguồn lực vào đầu tư nữa”.
Sau đó vài ngày, đại diện Family Mart Việt Nam cũng đã xác nhận thông tin này, đồng thời nhấn mạnh việc “không rút khỏi thị trường Việt Nam”, mà chỉ là không đổ thêm vốn để mở rộng thị phần.
Những tưởng cú vấp của Family Mart sẽ làm chùn chân những đồng hương khác đang nhăm nhe nhảy vào thị trường Việt. Nhưng chỉ 1 tháng sau, 7 Eleven Nhật Bản, ‘người khổng lồ’ của ngành bán lẻ thế giới, rầm rộ khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam.
Hiện tại, 7 Eleven đã mở được 12 cửa hàng tại TP. HCM. Mục tiêu trong 3 năm tới sẽ mở 100 cửa hàng và trong 10 năm tới sẽ có 1.000 cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam.
Theo Theleadder
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI