Mua – Bán trên “chợ mạng” đang trở nên phổ biến, bởi sự tiện lợi mà nó mang lại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh này đang phải đối mặt với thách thức lớn về vấn đề bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn khó kiểm soát.
Hơn hai thập kỷ kể từ khi thương mại điện tử có mặt và phát triển tại Việt Nam, Nhà nước đã rất nỗ lực trong việc thể chế hóa và đưa những quy định pháp luật về thương mại điện tử vào đời sống kinh - xã hội. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù, cũng như đặc điểm cấu trúc phát triển phức tạp, hoạt động thương mại điện tử vẫn luôn đặt ra những thách thức trong công tác quản lý.
Nổi cộm tình trạng hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Thương mại điện tử tiếp tục ghi dấu ấn trong đời sống kinh tế đất nước, và đang là xu hướng tiêu dùng được nhiều người lựa chọn. Thế nhưng, tình trạng hàng giả hàng nhái kinh doanh qua thương mại điện tử đang dần trở nên phổ biến. Đặc biệt là tình trạng làm giả các trang bán hàng uy tín của các doanh nghiệp để trục lợi. Ngay cả các doanh nghiệp đã đăng ký sở hữu trí tuệ cũng gặp phải tình trạng này.
Mới đây, thương hiệu gạo ST25 của doanh nghiệp Hồ Quang Trí lại một lần nữa bị các đối tượng sản xuất làm giả với quy mô lớn tại nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội và Bắc Ninh. Tại một số cơ sở sản xuất, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục tấn gạo đang trong quá trình đóng bao bì. Hình thức bao bì đóng gói rất tinh vi khiến người tiêu dùng khó có thể phân biệt được. Điều đáng nói là các sản phẩm này đang được bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử cạnh tranh với hàng chính hãng.
Hơn thế, hành vi làm giả, nhái thương hiệu gạo ST25 và công khai bày bán tràn lan trên thị trường, thậm chí trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiktok… cũng là vấn đề đáng quan ngại. Tại Tiktok Shop, theo quan sát của PV Thương Trường, có rất nhiều tài khoản của mạng xã hội này đang ngang nhiên giới thiệu và bán mặt hàng gạo ST25 này. Đơn cử như tài khoản Nasagao, đang bán loại gạo ST25 đặc sản Sóc Trăng, nhưng bao bì y hệt thương hiệu gạo, tuy nhiên ngay ở phần logo trên bao bì đã có nhập nhèm, nếu không tinh ý người tiêu dùng có thể mua phải hàng “fake”.
Tại Shopee, hàng nhái thương hiệu cũng bày bán nhãn nhãn trên sàn thương mại điện tử này. Đáng chú ý là sự xuất hiện của các tên gọi như “Vua loại gạo”, rồi “Gạo ông Vua”… Tất cả đều là hàng “fake”, tuy nhiên giá bán cũng có phần chênh lệch so với gạo chính hãng, thậm chí có cơ sở giá bán còn ngang với gạo thật.
Đại diện Doanh nghiệp Hồ Quang Trí – chủ sở hữu thương hiệu gạo ST25, cho biết người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ nơi bán uy tín. “Chúng tôi cũng đã công bố trên hệ thống trang web danh sách các cửa hàng phân phối trên toàn quốc".
Vấn đề hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng trở thành vấn đề nổi cộm thể hiện trong báo cáo của Bộ Công Thương gửi Quốc hội phục vụ phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV liên quan đến vấn vạn hàng giả, hàng kém chất lượng hoành hành trên sàn thương mại điện tử.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2023, Bộ này đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn, gỡ bỏ, khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng.
Nhiều vụ việc bán hàng giả/hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội nổi cộm đã bị triệt phá như: Ansan Cosmetics - TP.HCM (thu giữ 7.678 đơn vị sản phẩm); TS Việt Nam - Hà Nội (thu giữ 14.000 sản phẩm với với tổng trị giá ước tính trên 11 tỷ đồng); Menshop79 - Hà Nội (2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton…, giá trị hơn 20 tỷ đồng); vụ số 145 Hoàng Diệu - tỉnh Lào Cai (thu giữ 237 mặt hàng với 158.014 sản phẩm); vụ việc tại huyện Vụ Bản - tỉnh Nam Định (thu giữ gần 30.000 sản phẩm nhái nhãn hiệu Hermès); chuyển cơ quan điều tra vụ việc Mailystyle ở Hà Đông, Hà Nội (thu giữ hơn 126.000 sản phẩm không hóa đơn, chứng từ trị giá trên 20 tỷ đồng)…
Đại diện Bộ Công Thương, cho rằng hiện quy định về trách nhiệm và chế tài đối với hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái còn thiếu và chưa đủ mạnh. Bán hàng trên môi trường mạng phát triển quá nhanh trên địa bàn rộng (cả nước), với số lượng giao dịch rất lớn, trong khi nguồn nhân lực để giám sát, xử lý còn mỏng. Các thủ đoạn lừa đảo, giả mạo bán hàng trên không gian mạng ngày càng tinh vi. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng mới tham gia mua hàng online, dễ bị lôi kéo do các thủ đoạn lừa đảo, dụ dỗ mua hàng giá rẻ.
Các đối tượng lừa đảo trên mạng có thủ đoạn ngày một tinh vi, một số đối tượng dùng giấy tờ cá nhân giả để đăng ký tài khoản ngân hàng, tiền chuyển vào tài khoản lập tức chuyển ngay sang tài khoản khác, thuê chạy quảng cáo các trang facebook giả mạo để lừa được nhiều người hơn. Do đó, dù thông tin lưu trên mạng xã hội, lý lịch tài khoản chuyển tiền lưu trên ngân hàng, nhưng cơ quan điều tra vẫn khó truy tìm những kẻ lừa đảo này.
Khó định danh, khó phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm
Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng đang gặp khó khăn trong việc xử lý triệt để các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bởi hiện nay chưa thể xác định được danh tính các cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nên chưa đủ căn cứ pháp lý để xử lý triệt để các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, do thương mại điện tử mới phát triển mạnh mẽ trong 5 năm trở lại đây nên còn rất nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu chưa kịp chuyển đổi, chưa nhận thức đủ về những rủi ro bị xâm phạm nhãn hiệu trên không gian mạng nên đã không để ý, giám sát chặt chẽ các hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Trong khi có một số đối tượng lợi dụng kẻ hỡ trong quản lý về thương mại điện tử để hòng qua mắt cơ quan chức năng, tổ chức sản xuất và cung ứng ra thị trường các sản phẩm nhái… Trong khi đó, việc phát hiện các hành vi xâm phạm nhãn hiệu hiện nay vẫn chủ yếu do chủ sở hữu nhãn hiệu phát hiện ra.
Cùng với đó, do bản chất hành vi xâm phạm nhãn hiệu là hành vi phức tạp và chỉ được hoàn toàn xác định bởi kết luận giám định nhãn hiệu của Viện khoa học sở hữu trí tuệ nên các chủ sở hữu nhãn hiệu và sàn thương mại điện tử khá lúng túng trong việc xác định các hành vi xâm phạm nhãn hiệu.
Với các sàn thương mại điện tử, câu chuyện hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn luôn là vấn đề nóng như những ví dụ mà Thương Trường đã nêu ở trên. Tuy nhiên, việc các sàn thương mại điện tử “ngó lơ” vấn đề này cũng đang khiến cho câu chuyện trở nên phức tạp.
Đơn cử, hai sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam là Shopee và Lazada đều có 2 mô hình kinh doanh thành công nhất C2C, B2C. Trong đó mô hình kinh doanh C2C- Consumer to Consumer: là kênh trung gian giúp cá nhân và cá nhân có thể mua bán trao đổi hàng hóa với nhau. Còn mô hình kinh doanh B2C – Business to Consumer là kênh trung gian kết nối giữa doanh nghiệp với người mua hàng. Các gian hàng trên Shopee và Lazada tựu chung được phân loại theo dựa theo mô hình C2C được gọi chung là “shop thường” còn mô hình B2C được gọi chung là “shop mall”. Tuy nhiên, các sàn thương mại điện tử này đang không kiểm duyệt chặt chẽ các sản phẩm không sử dụng nhãn hiệu, đăng ký dưới dạng “No brand”.
Để thu hút lượng lớn người dùng tham gia mua sắm trên sàn thương mại điện tử dựa trên động lực cơ bản trong hành vi mua sắm trong thị trường tự do là hỗ trợ tạo ra “các lỗ hổng kinh tế” giúp người mua có thể mua được với giá rẻ hơn so với các hình thức mua sắm khác nên đối với các các gian hàng dạng “shop thường” thì quan điểm của shopee và lazada hiện tại là cho phép các cá nhân đăng bán các sản phẩm dạng “No brand” – không cần đăng ký sở hữu trí tuệ vẫn có thể giao dịch mua bán bình thường. Đây chính là kẽ hở đã nuôi dưỡng các hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Đó chính là biểu hiện buông lỏng quản lý đầu tiên và “nhẹ nhất” vì có nhiều sản phẩm trên thị trường đúng là không cần nhãn hiệu vẫn mua bán bình thường.
Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử thiếu biện pháp kiểm soát chặt chẽ về chế tài xử phạt hành chính và không chuyển sự việc vi phạm về nhãn hiệu về cho các cơ quan thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dẫn đến tình trạng các đối tượng xâm phạm không sợ và vẫn tiếp tục nhiều hành vi liều lĩnh như làm giả giấy tờ về nhãn hiệu, hóa đơn, hợp đồng ủy quyền… Các đối tượng này cũng hiểu rõ vấn đề là nếu vi phạm chỉ bị khóa gian hàng. Trong khi đó họ có thể dễ dàng mở các gian hàng khác bởi việc mở gian hàng mới quá dễ dàng, chỉ cần chứng minh thư hoặc căn cước công dân để đăng ký mà không cần thêm về đăng ký kinh doanh.
Không chỉ vậy, các sàn thương mại điện còn yếu kém trong khâu kiểm duyệt sản phẩm, tạo kẽ hở để tất cả các gian hàng kể cả gian hàng chính hãng cố tình xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ.
Riêng Tiktok, mặc dù mới ra mắt được vài năm nay, nhưng nền tảng này đã vươn lên đứng thứ hai về doanh thu trong các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Với nhiều chính sách ưu đãi, TikTok Shop đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng, tuy nhiên nền tảng này đang có nhiều vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, cùng với đó là rất nhiều hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Là người thường xuyên mua sắm trên mạng, nhất là trên nền tảng Tiktok Shop, chị Hoàng Thị Giang (Thanh Trì, Hà Nội), cho biết: “Nếu so sánh giá cả với các sàn thương mại điện tử, Tiktok Shop có phần rẻ hơn, nguồn hàng trên nền tảng này tương đối phong phú, thậm chí một số mặt hàng được trợ giá nên rất rẻ”.
“Tuy nhiên, việc mua phải hàng giả, hàng nhái vẫn thường xuyên”, chị Giang chia sẻ. Theo chị Giang “người tiêu dùng bình thường như chúng tôi khó mà phân biệt, thậm chí vẫn biết hàng mang nhãn hiệu nổi tiếng mà mình biết, nhưng vì rẻ nên cũng mua về dùng bình thưởng”.
Trong kết luận kiểm tra của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố gần đây, TikTok đã có các vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử như: chưa công bố thông tin về chủ sở hữu ứng dụng trên trang chủ, chưa lưu trữ đầy đủ thông tin người bán theo quy định khi đăng ký sử dụng dịch vụ. Đặc biệt, chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin về hàng hóa của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử...
Ngoài thực trạng nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang khó khăn trong việc định danh người bán hàng trên môi trường trực tuyến, do đó chưa thể quản lý triệt để vấn đề này. Điều đó không những khiến cho nhà nước thất thu thuế, mà nghiêm trọng hơn là tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ còn cơ hội để tồn tại.
Nếu các cơ quan chức năng thực hiện được việc định danh trên thương mại điện tử sẽ là chìa khoá cho vấn đề. Còn nếu không sẽ vẫn còn nhiều đối tượng ngang nhiên làm cả kho hàng giả, hàng nhái để bán hàng trục lợi trên thương mại điện tử.
Bộ Công Thương mới đây, cho biết đang nghiên cứu một số giải pháp để quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Trong đó, Bộ Công thương dự kiến bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các website, ứng dụng thương mại điện tử.
Đề xuất của Bộ Công Thương được đưa ra trong bối cảnh Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số đã cung cấp dữ liệu đầy đủ để các lực lượng chức năng yêu cầu các sàn thương mại điện tử quy định chặt chẽ hơn về việc định danh người bán hàng. Từ đó, việc quản lý và xử lý những trường hợp bán hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trở nên hiệu quả hơn.
Được biết, bên cạnh giải pháp này, Bộ Công thương cũng đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến thương mại điện tử như: bổ sung các khái niệm mới phù hợp với quy định tại Luật Giao dịch điện tử năm 2023 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi năm 2023; phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử cho các địa phương; tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu nền tảng số/nền tảng số trung gian, người có ảnh hưởng; xác định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử như logistics, ISP, dịch vụ tiếp thị liên kết…
Hơn hai thập kỷ kể từ khi thương mại điện tử có mặt và phát triển tại Việt Nam, Nhà nước đã rất nỗ lực trong việc thể chế hóa và đưa những quy định pháp luật về thương mại điện tử vào đời sống kinh - xã hội. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù, cũng như đặc điểm cấu trúc phát triển phức tạp, hoạt động thương mại điện tử vẫn luôn đặt ra những thách thức trong công tác quản lý.
Trong những giai đoạn phát triển tiếp theo, để đạt được hiệu quả cao trong quản lý về thương mại điện tử, có lẽ điều cần thiết là chúng ta nên rà soát và đánh giá lại thực trạng hệ thống cơ sở pháp lý liên quan để nhìn nhận rõ những hạn chế còn tồn tại, tìm ra nguyên nhân của các hạn chế đó để xây dựng các giải pháp phù hợp, quản lý hiệu quả đối với thương mại điện tử, thúc đẩy mô hình này phát triển lành mạnh, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.