Được biết, trước khi mở hệ thống siêu thị, T&T đã đầu tư hàng nghàn tỷ đồng vào một loạt công ty trong lĩnh vực nông nghiệp Vegetexco, Vigecam, Vinafor và sắp tới đây là Vinafood 2. Các công ty này sẽ giúp cung ứng sản phẩm đầu vào cho các siêu thị Qmart và Qmart+. Đây được xem là một trong những lợi thế cạnh tranh cho tân binh này.
Tuy nhiên, hành trình phát triển của T&T ở phía trước vẫn còn nhiều sức ép. Ra đời trong bối cảnh thị trường bán lẻ Việt Nam đã có mặt nhiều ông lớn giàu tiềm lực tài chính, kinh nghiệm trong mảng bán lẻ đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Chắc chắn T&T sẽ phải tìm cách để chinh phục người tiêu dùng nhanh và hiệu quả nhất khi chuỗi này có kế hoạch phát triển vào khu vực phía Nam.
Nhìn rộng ra bức tranh toàn thị trường, có thể thấy sự có mặt của chuỗi Qmart sẽ giúp cho khối bán lẻ nội có thêm cộng sự, cuộc đua giữa nội - ngoại trên thị trường bán lẻ Việt Nam dường như vẫn thiên lệch cho các DN nước ngoài. Bởi các DN nước ngoài không chỉ mạnh về vốn mà còn mạnh về kinh nghiệm.
Trong khi các DN Việt Nam nhất là những DN mới đa phần “tay ngang”. Ngoài T&T, nhìn sang chuỗi Bách Hóa Xanh của CTCP Đầu tư Thế giới di động cũng không phải chuyên nghiệp trong mảng này, bởi ngành nghề chính của Thế giới di động là bán lẻ điện thoại, điện máy chứ không phải thực phẩm.
Thế nên, dù năm 2018 Thế giới di động quyết tâm lớn trong việc mở rộng chuỗi Bách Hóa Xanh cũng khó đoán biết trước được có thu hút được người tiêu dùng như kỳ vọng hay không. Cũng trong hành trình thu hút người tiêu dùng, một tên tuổi nội có tiếng là Saigon Coop cũng đang nỗ lực giới thiệu mô hình mới của mình là Coop Smile.
Dễ thấy trong khi nhiều DN bán lẻ nội còn đang loay hoay với bài toán của mình, thì các DN ngoại bên cạnh việc đẩy mạnh các siêu thị, trung tâm thương mại đã mở rộng thêm mảng thương mại điện tử với những đầu tư rất nghiêm túc, nhằm thu hút người tiêu dùng trên mọi mặt trận và đặt các nhà bán lẻ Việt Nam vào trong một cuộc cạnh tranh mới trên mạng internet.
Để hỗ trợ các DN trong nước, các bộ ngành trung ương, địa phương cũng nỗ lực với nhiều giải pháp, thế nhưng trong cuộc đua này vai trò tự lực, tự tìm kiếm lợi thế cạnh tranh của DN mới là yếu tố tiên quyết cho sự tồn tại và phát triển.
Theo SGĐT