Thị trường bán lẻ trong nước: Sức ép cạnh tranh

Thị trường bán lẻ trong nước: Sức ép cạnh tranh

Việt Nam, tiềm năng của thị trường bán lẻ rất lớn, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội hàng năm tăng 8% - 10%/năm, quy mô doanh số đạt xấp xỉ 100 tỷ USD trong năm 2016. Với hơn 90 triệu người, đa phần là dân số trẻ, tổng mức tiêu dùng cuối cùng của xã hội chiếm trên 70% GDP hàng năm…


“Ngoại” áp đảo

Tuy nhiên, thị trường bán lẻ hiện đại mới chiếm 25% thị phần và khu vực nông thôn còn trống vắng, chưa được khai thác. Những năm qua, nhiều tập đoàn bán lẻ các nước đã từng bước thâm nhập vào nước ta. Sự xuất hiện của các nhà bán lẻ nước ngoài tại thị trường nội địa, đã tạo sức ép lớn giữa các DN trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường.

Các DN FDI rất mạnh về vốn, công nghệ kinh doanh, quản trị DN và tính chuyên nghiệp cao. Họ có phương thức kinh doanh linh hoạt và hiệu quả, nghiên cứu kỹ thị trường trước khi tổ chức hệ thống bán lẻ ở các vùng, miền Việt Nam. Ngoài hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các DN nước ngoài còn mở rộng sang các loại hình kinh doanh hiện đại khác như cửa hàng tự chọn, cửa hàng mở 24/24 như Seven Eleven…

Đã có nhiều tập đoàn bán lẻ lớn vào Việt Nam như Big C, Metro, Aeon, Lotte... Nhiều chuỗi bán lẻ có hàng chục cửa hàng trên thị trường Việt Nam, họ còn tổ chức các trung tâm thu mua nông sản thực phẩm vùng để cung cấp cho chuỗi và cho XK.

Ảnh minh họa

Theo Bộ Công thương, hiện các DN FDI bán lẻ đã chiếm lĩnh 70% thị phần các cửa hàng tiện lợi, 17% các siêu thị và trung tâm thương mại, 15% đối với các siêu thị mini, 50% qua các hình thức bán hàng trực tuyến như qua điện thoại, truyền hình tại Việt Nam. Nhưng theo một số chuyên gia, các DN bán lẻ ngoại đã chiếm gần nửa thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam; bởi họ có khoảng 100/750 điểm siêu thị trên toàn quốc, nhưng một điểm bán của họ có doanh số gấp 5 - 7 lần siêu thị của Việt Nam.

Tình hình trên cho thấy, sức ép bên ngoài tác động vào thị trường bán lẻ trong nước lớn như thế nào.

“Nội” èo uột

Có thể nói, hạ tầng thương mại và sự phát triển của các kênh thương mại trong nước đã có nhiều nỗ lực. Những DN lớn như Saigon Coop, Vingroup… đang cố gắng phát triển và cải thiện phục vụ thị trường, cả về chất lượng và hệ thống chuỗi phân phối của mình trên các địa bàn. Hệ thống chợ, gồm 9.000 điểm, phần nào được cải tạo, xây dựng lại; các tuyến phố đô thị, kinh doanh của tiểu thương cũng được cải thiện...

Tuy nhiên, nhìn tổng quát thì thấy, hệ thống thương mại (bao gồm các kênh hiện đại và kênh truyền thống), còn nhiều điểm cần phải khắc phục. Chỉ có khoảng 10% siêu thị Việt đạt tiêu chuẩn loại 1; 30% chợ được cho là khang trang, đảm bảo các điều kiện kinh doanh; còn lại 70% là loại 2, 3, 4 - các điều kiện phục vụ người kinh doanh và người tiêu dùng đều không đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu.

Sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, theo phong trào dẫn tới chất lượng hàng hóa không đảm bảo, tiếp cận các hệ thống siêu thị rất khó khăn. Điều đó, mặc nhiên tạo điều kiện cho hàng hóa nước ngoài thâm nhập mạnh mẽ hơn vào hệ thống siêu thị và bán lẻ trong nước.

Sức ép lớn hơn từ sự kết nối giữa sản xuất và phân phối, hàng hóa qua nhiều khâu trung gian và lợi nhuận bị khâu bán lẻ hưởng một cách quá mức, vì vậy hàng hóa bị đẩy giá lên. Người sản xuất ra của cải vật chất là nông dân, thường bị thiệt thòi, ép cấp, ép giá; người tiêu dùng phải sử dụng hàng hóa với giá cao vô lý…

Mặt khác, nhận thức của các ngành, các cấp về thị trường bán lẻ nội địa còn hạn chế, chính vì vậy, thiếu sự đầu tư đúng mức, thiếu bài bản cho lĩnh vực này (chưa được xây dựng chiến lược kể cả 3 cấp là Nhà nước, ngành và DN).

Sự đoàn kết trong hệ thống bán lẻ, giữa bán lẻ với nhà cung ứng, nhà NK còn rời rạc, thậm chí triệt tiêu nhau. “Con thuyền” bán lẻ chưa trở thành một “vector” cùng chiều để tập trung sức mạnh cạnh tranh với các DN FDI. Vai trò của các hiệp hội chưa được coi trọng đúng mức, làm giảm bớt sự tập hợp sức mạnh chung của hệ thống bán lẻ nội.

Phải làm gì?

Những sức ép bên trong với sức ép bên ngoài - đã gây ra những khó khăn không nhỏ cho thị trường bán lẻ trong nước, cụ thể là các DN bán lẻ nội.

Nhận thức đúng vai trò quan trọng của thị trường bán lẻ trong nước - đầu ra của sản xuất và NK, hiểu rõ những sức ép đối với thị trường để cùng nhau hành động - là một vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bán lẻ thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, có những chính sách hỗ trợ hợp lý cho ngành bán lẻ nội địa. Kiểm soát thị trường một cách lành mạnh và công bằng, hiệu quả.

Đối với các DN nội, cần tự giác làm ăn tử tế, có văn hóa, có thương hiệu bền vững, tạo niềm tin cho NTD Việt về hàng Việt và DN Việt.

NTD cần ủng hộ một cách khách quan các DN Việt và hàng hóa Việt, góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng…

Làm được những điều trên, chắc chắn thị trường bán lẻ trong nước sẽ vượt qua mọi sức ép, sớm khắc phục được những yếu kém, tồn tại, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với các DN nước ngoài trên thị trường.

Theo THCL

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang