Thị trường mẹ và bé chờ cú "knock-out"

Thị trường mẹ và bé chờ cú "knock-out"

Việc Kids Plaza mới được VI Group quyết định đầu tư dù con số chưa được tiết lộ đang dự báo cuộc "so găng" mới trên thị trường mẹ và bé ở Việt Nam. Nhưng cú knock-out liệu có xảy ra?


 

Tham vọng của VI Group khi đầu tư vào lĩnh vực mẹ và bé

Tham vọng của VI Group khi đầu tư vào lĩnh vực mẹ và bé

Trong năm 2018, dân số của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 950.346 người và đạt 96.963.958 người vào đầu năm 2019. Gia tăng dân số tự nhiên được dự báo là dương, vì số lượng sinh sẽ nhiều hơn số người chết đến 997.715 người.

Gương mặt mới

Mới đây, Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VI Group) thông báo đã đầu tư vào Công ty Cổ phần Kids Plaza, công ty bán lẻ trong lĩnh vực mẹ và bé. Tuy nhiên cụ thể khoản đầu tư này như thế nào không được công bố.

Được thành lập vào năm 2009, Kids Plaza là công ty hoạt động như một kênh bán lẻ đa kênh được biết đến với giá cả phải chăng sản phẩm và dịch vụ cho các bà mẹ ở thời kỳ trước và sau khi sinh và trẻ em. Hiện nay, Kids Plaza có 72 cửa hàng tại Việt Nam, phần lớn được đặt tại Hà Nội và TP.HCM.

Còn VI Group là một quỹ đầu tư được thành lập vào năm 2006. Cách thức hoạt động của các công ty khi đầu tư vào là xây dựng chiến lược cạnh tranh, tuyển dụng nhân sự trung cao cấp, tái cấu trúc và cải thiện bộ máy quản lý và hệ thống vận hành, tìm kiếm & giới thiệu các đối tác quốc tế về vốn hoặc thương mại. Ngoài ra, VI Group cũng làm việc với các công ty trong các dự án Mua Bán Sáp Nhập (M&A) hoặc tái tổ chức ngành.

VI Group đang quản lý 3 quỹ đầu tư với tổng vốn đầu tư gốc là 400 triệu USD. VI Group giữ cổ phần thiểu số có quyền kiểm soát dưới góc độ cổ đông lớn. Trong một số trường hợp trong những ngành kinh doanh mà VI Group có kinh nghiệm và có sự hiểu biết sâu sắc, hoặc có đối tác cùng đầu tư phù hợp, VI Group sẵn sàng đầu tư dưới góc độ cổ đông chi phối.

Hình thức đầu tư của doanh nghiệp này  rất linh động, dưới nhiều dạng khác nhau: đầu tư mua cổ phần trực tiếp, đầu tư mua cổ phần đảm bảo lợi nhuận, hay mua nợ/trái phiểu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu. Một khoản đầu tư của VI Group kéo dài từ 4 tới 6 năm.

Với trị giá 2,5 tỷ USD, và được dự báo tăng gấp đôi trong thời gian tới (theo số liệu của nhóm nghiên cứu FTA vào tháng 10/2017), cùng với đó có tới 4.270 trẻ em được sinh ra trung bình mỗi ngày, mẹ và bé quả là thị trường “màu mỡ” cho các nhà đầu tư.

Thị trường nhiều cạnh tranh

Các nhà bán lẻ hàng đầu trong lĩnh vực này bao gồm chuỗi siêu thị Bibo Mart, được đầu tư bởi Quỹ đầu tư Liên minh vốn châu Á của Nhật Bản và hệ thống cửa hàng Con Cưng, được hỗ trợ bởi Quỹ đầu tư mạo hiểm Seedcom, ngoài ra còn có hệ thống siêu thị mẹ và bé Soc&Brothers chuyên hàng của Nhật Bản, hiện hệ thống này đã có 5 cửa hàng tại các thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, cạnh tranh gay gắt nhất hiện nay chính là giữa Kids Plaza với Bibo Mart. Gần như ở đâu có Bibo Mart là ở đó có Kids Plaza.

Ngoài mật độ cửa hàng khá dày đặc, cả hai thương hiệu trên đều có website bán trực tuyến bắt mắt, dễ dàng lựa chọn sản phẩm theo hạng mục được phân chia cho khách hàng dễ sử dụng.

Về giá cả, cả hai đều có các sản phẩm giá ngang nhau, hoặc chênh lệnh không đáng kể. Ví dụ như sản phẩm “Bỉm quần Merries” đều có mức giá niêm yết là 405.000 đồng/sản phẩm.

Như vậy sự cạnh tranh của hai thương hiệu này là rất khốc liệt, ngoài chạy đua về số lượng cửa hàng, còn phải đảm bảo chất lượng phục vụ, hình ảnh thương hiệu và đặc biệt, hai doanh nghiệp phải tạo được dấu ấn riêng đối với khách hàng.

Với kinh nghiệm trong tái cấu trúc và cải thiện bộ máy quản lý và hệ thống vận hành, VI Group có thể sẽ góp phần thổi một luồng gió mới cho Kids Plaza, tạo tính cạnh tranh hơn với các thương hiệu đã có mặt trên thị trường. Tuy nhiên, Bibo Mart cũng "chẳng phải dạng vừa", nên cú "knock-out" là khó xảy ra.

Theo DDDN

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang