Thị trường IPO Đông Nam Á dần phục hồi, mở ra kỳ vọng mới cho Việt Nam

Thị trường IPO Đông Nam Á dần phục hồi, mở ra kỳ vọng mới cho Việt Nam

Thị trường IPO Đông Nam Á ghi nhận dấu hiệu phục hồi trong nửa đầu năm 2025, dẫn đầu là Malaysia. Trong khi đó, Việt Nam dù chưa có thương vụ IPO mới nhưng kỳ vọng bứt phá nhờ cải cách hạ tầng giao dịch và triển vọng nâng hạng thị trường.

Nguồn:Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Dấu hiệu hồi phục và tái khởi động chu kỳ tăng trưởng tại thị trường IPO Đông Nam Á

Báo cáo Southeast Asia IPO SnapshotMid-year 2025 của Deloitte cho thấy thị trường chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Đông Nam Á đang có dấu hiệu phục hồi rõ rệt sau giai đoạn trầm lắng kéo dài. Trong nửa đầu năm 2025, toàn khu vực ghi nhận 53 thương vụ IPO, huy động được hơn 1,4 tỷ USD, với vốn hóa thị trường IPO đạt khoảng 7,7 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2024, số lượng IPO giảm gần 21% (từ 67 xuống 53 thương vụ), tuy nhiên tổng vốn huy động tăng khoảng 3% và vốn hóa tăng gần 25% (từ 5,8 tỷ USD lên 7,7 tỷ USD), phản ánh chất lượng và quy mô của các thương vụ năm nay đã được cải thiện đáng kể.

Thị trường IPO Đông Nam Á hồi phục trong nửa đầu năm 2025

Đặc biệt, tháng 6/2025 chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng hồ sơ IPO được nộp lên các sàn giao dịch chứng khoán khu vực, bao gồm một thương vụ tại Singapore được kỳ vọng là lớn nhất trong vòng một thập kỷ. Diễn biến này cho thấy tâm lý thị trường đã chuyển từ thận trọng sang lạc quan hơn, mở ra nhiều kỳ vọng cho một nửa cuối năm sôi động.

Theo bà Tay Hwee Ling – Lãnh đạo Dịch vụ hỗ trợ giao dịch của Deloitte Đông Nam Á – đà phục hồi hiện tại được hỗ trợ bởi điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định cùng sự xuất hiện của các thương vụ IPO quy mô lớn, đặc biệt là tại MalaysiaIndonesia. Bà nhận định rằng dù tâm lý nhà đầu tư vẫn có phần dè dặt, nhưng sự quan tâm của các doanh nghiệp phát hành đang dần quay trở lại, đặc biệt ở những thị trường có khung pháp lý rõ ràng, thanh khoản tốt và tiềm năng thu hút dòng vốn khu vực.

Báo cáo của Deloitte nhấn mạnh sự tập trung vốn vào các ngành có tiềm năng phục hồi cao. Trong đó, ngành tiêu dùng dẫn đầu với 613 triệu USD – chiếm 43% tổng vốn huy động, tiếp theo là bất động sản với khoảng 284 triệu USD. Top 10 thương vụ IPO lớn nhất khu vực đóng góp 928 triệu USD, chiếm tới 66% tổng giá trị huy động. Malaysia là quốc gia dẫn đầu với 32 thương vụ, huy động 940 triệu USD – tương đương 66% tổng vốn IPO toàn khu vực (theo Deloitte).

So với năm 2024, khi hoạt động IPO bị kìm hãm bởi các yếu tố bất lợi như lãi suất cao, biến động địa chính trị và sự không đồng nhất trong quy định giữa các quốc gia, bức tranh nửa đầu năm 2025 cho thấy thị trường đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Với đà phục hồi này, Deloitte nhận định các doanh nghiệp đang dần lấy lại niềm tin để tiếp cận thị trường vốn cổ phần – một tín hiệu tích cực cho khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn tới.

Hướng tới chuẩn hóa và nâng hạng thị trường chứng khoán, sẵn sàng đón sóng IPO mới tại Việt Nam

Tại Việt Nam, dù chưa ghi nhận thương vụ IPO mới nào trong nửa đầu năm 2025, thị trường vẫn không hề kém sôi động. Theo Deloitte, có bốn doanh nghiệp đã chuyển niêm yết từ sàn giao dịch UPCoM sang HOSE và HNX, cùng hai công ty PIE (công ty đại chúng) hiện vẫn chưa niêm yết trên các sàn giao dịch chính thức. Đặc biệt, ngày 13/5/2025, hơn 1,79 tỷ cổ phiếu của CTCP Vinpearl (HOSE: VPL) đã chính thức được niêm yết trên sàn HOSE với tổng mệnh giá vượt 17.933 tỷ đồng, tương đương khoảng 689 triệu USD – trở thành một trong những thương vụ niêm yết đáng chú ý nhất tại Việt Nam kể từ đầu năm đến nay.

Một trong những động lực quan trọng tạo nên kỳ vọng mới cho thị trường Việt Nam là sự kiện hệ thống giao dịch chứng khoán KRX chính thức đi vào hoạt động từ ngày 5/5/2025. Hệ thống này không chỉ nâng cao năng lực xử lý giao dịch mà còn hỗ trợ triển khai các sản phẩm mới như giao dịch T+0, bán khống và chứng quyền có bảo đảm.

Deloitte đánh giá việc cải thiện hạ tầng công nghệ, cùng với các sáng kiến quản lý, đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng cận biên lên hạng mới nổi. Nếu thành công, Việt Nam có thể thu hút thêm tới 6 tỷ USD dòng vốn từ các quỹ đầu tư toàn cầu, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thị trường IPO trong nước.

Theo Deloitte Việt Nam, những cải cách về môi trường pháp lý và hệ thống kế toán – kiểm toán, cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025 là những yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp tiến hành IPO. Các ngành được đánh giá có tiềm năng lớn bao gồm viễn thông – công nghệ thông tin, logistics, tiêu dùng, bất động sản và vật liệu xây dựng. Ngoài ra, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến chiến lược cho các lĩnh vực đang dẫn dắt xu hướng toàn cầu như sản xuất chip, năng lượng tái tạo và trí tuệ nhân tạo (AI).

Ông Bùi Văn Trịnh, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Đảm bảo Deloitte Việt Nam, cho rằng, để IPO thành công, doanh nghiệp không chỉ cần có định giá hấp dẫn mà còn phải được chuẩn bị bài bản về quản trị, minh bạch thông tin, năng lực vận hành theo chuẩn quốc tế và hệ thống kiểm soát nội bộ vững chắc. Các doanh nghiệp được khuyến nghị xây dựng lộ trình IPO phù hợp với nội lực doanh nghiệp và chu kỳ thị trường, từ đó đảm bảo hiệu quả và tính bền vững sau khi lên sàn.

Với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, cải cách hạ tầng thị trường đang diễn ra quyết liệt và sự đồng thuận chính sách ở cấp vĩ mô, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là điểm sáng mới của thị trường IPO Đông Nam Á trong giai đoạn 2025 – 2026, đồng thời là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế dài hạn.

Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang