Tại Diễn đàn DN Việt Nam giữa kỳ (VBF 2018) với chủ đề “Liên kết DN trong nước và nước ngoài - hợp tác và hướng tới lợi ích chung”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc ví von, “30 năm FDI có mặt tại Việt Nam nhưng “chàng trai” FDI vẫn chưa kết hôn với “cô gái” là DN Việt Nam. Mong là 30 năm tới đây, FDI sẽ “kết hôn và sinh con” để hình thành chuỗi giá trị của mình tại Việt Nam”. Vì thế, VBF 2018 là dịp để DN FDI có thể chia sẻ những băn khoăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh mối liên kết này.
Phần lớn số doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể tham gia chuỗi sản xuất của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ảnh: NAM NGUYỄN
Đồng Chủ tịch VBF Tomaso Andreatta cho biết, một trong những khó khăn mà DN FDI gặp phải là DN trong nước quá nhỏ, quá thiếu kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc bán sản phẩm cho khách hàng có thị trường toàn cầu và phải sản xuất các sản phẩm chất lượng hàng đầu với mức giá hợp lý. Đó là lý do tại sao DN FDI vẫn phải đem các nhà cung cấp từ bên ngoài vào thay vì đưa các DN Việt Nam tăng tốc ở nhiều cấp độ. DN Việt Nam cần có trình độ quản lý cấp quốc tế, cần các trường đào tạo, các công ty dịch vụ, ngân hàng, bảo hiểm, CN… Trong khi đó, những điều này không dễ dàng đến được Việt Nam bởi những rào cản pháp lý, làm cho những DN muốn mang những dịch vụ hay sản phẩm đó vào Việt Nam phải quan ngại, như những vấn đề liên quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp.
Một hạn chế nữa của Việt Nam khiến các DN FDI chưa “mặn mà” hợp tác liên quan đến thuế và hải quan đối với hàng xuất khẩu (XK) sản xuất bằng thuê ngoài. Đây là khâu gây nhiều khó khăn, tốn kém cho DN cả về thời gian, tiền bạc và công tác quản lý. Theo Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) Kim Heung Soo, sau khi các DN Hàn Quốc đặt hàng các DN hợp tác ở Việt Nam và nhận được sản phẩm thì họ hoàn thiện thành phẩm và XK ra nước ngoài. Đây là phương thức XK phổ biến nhất. Đối với các ngành đòi hỏi công nghệ cao, việc một DN thực hiện tất cả các công đoạn sản xuất phức tạp là điều không thể. Do đó, nhiều DN sản xuất tại Việt Nam phải tái xuất 100% hàng hóa và như vậy một lần nữa đã “cô lập” các DN trong nước ra khỏi các DN FDI. Ngoài ra, các mệnh lệnh hành chính tại địa phương đang gây khó cho DN trong quá trình vận hành, CGCN kỹ thuật, hợp tác cùng phát triển dưới hình thức liên doanh giữa DN Việt Nam và DN FDI, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút FDI của Việt Nam.
Đặt vấn đề tại sao DN FDI không liên kết với DN trong nước dẫn đến thực trạng “hai nền kinh tế trong một quốc gia”, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá, vấn đề mấu chốt xoay quanh CN và CGCN. Hai khối DN hiện nay chênh nhau về trình độ CN nên không có nhu cầu liên kết với nhau. Chúng ta cần phải có chính sách thúc đẩy, hỗ trợ giúp DN trong nước phát triển CN.
Đại diện cho nhóm Công tác đầu tư và Thương mại của VBF, bà Orsolya Grove cho biết, DN nước ngoài rất muốn CGCN cho DN Việt Nam, nhưng lại đang gặp cản trở bởi các thủ tục hành chính, như việc yêu cầu phải đăng ký các hợp đồng CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam và các hợp đồng CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài là không hợp lý và không khuyến khích được quá trình CGCN. Hơn nữa, khi đăng ký CGCN, các bên sẽ phải nộp bản gốc hoặc bản sao có chứng thực văn bản giao kết CGCN thể hiện tên và đối tượng CN được chuyển giao. Điều này có thể dẫn đến rủi ro bảo mật thông tin và bảo vệ bí mật kinh doanh hoặc bất kỳ thông tin bí mật nào khác có liên quan CN được chuyển giao. Yêu cầu đăng ký này có thể tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, thu hút được ít nhà đầu tư đến và hợp tác kinh doanh với các DN trong nước cũng như cản trở việc cải thiện và phát triển CN mới tại Việt Nam. Vì vậy, nhóm Công tác đầu tư và Thương mại kiến nghị: Đối với các hợp đồng CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, yêu cầu đăng ký CGCN nên được loại bỏ để tạo điều kiện và thúc đẩy quá trình CGCN diễn ra hiệu quả hơn.
Đồng thời, để Việt Nam tiếp tục tăng cường vai trò của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các cơ quan hành chính phải giảm nhẹ gánh nặng đối với việc tuân thủ, không phải bằng cách hạ các tiêu chuẩn mà bằng cách cung cấp các quy định rõ ràng, hướng dẫn đơn giản và thực thi thống nhất. Một môi trường minh bạch, ủng hộ và hợp tác sẽ tạo thuận lợi để các DN Việt Nam tiếp cận những thị trường quốc tế tốt nhất. Theo ông Vũ Tiến Lộc, để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cần thực hiện triệt để các mục tiêu cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, VCCI sẽ xây dựng chương trình lựa chọn các DN có tiềm năng, qua đó có các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị giúp kết nối với DN FDI.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, năm 2018 sẽ là năm hành động mạnh mẽ về tăng cường liên kết giữa DN trong nước và nước ngoài. Muốn làm được, Việt Nam phải hiểu và giải quyết những mong đợi từ DN trong nước, DN FDI. WB sẵn sàng hỗ trợ, thúc đẩy và củng cố mối liên kết giữa DN Việt Nam và FDI.
Theo ND