Thời gian qua, Việt Nam liên tiếp phải đối phó với sự "bùng nổ" các vụ kiện phòng vệ thương mại trong khi năng lực tài chính và khả năng ứng phó của một số ngành hàng, doanh nghiệp trong nước còn yếu. Điều này đã tạo nên nhiều khó khăn trong việc xác định chiến lược, định hướng, quyết tâm khi vướng phải các vụ kiện.
Doanh nghiệp trong nước cần nâng cao hiểu biết về công cụ phòng vệ thương mại cũng như tăng hiệu quả kháng kiện. Ảnh minh họa: TTXVN
Với dự báo, việc gia tăng các rào cản về thương mại sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp trong nước cần nâng cao hiểu biết về công cụ phòng vệ thương mại cũng như tăng hiệu quả kháng kiện, đảm bảo thị trường và giá trị thặng dư cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
*Xu hướng bảo hộ
Theo ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trước tiến trình tự do hoá thương mại toàn cầu ngày càng sâu rộng, các hàng rào thương mại truyền thống như thuế quan dần dần được dỡ bỏ, các cam kết mở cửa thị trường được đẩy mạnh cùng với sự gia tăng của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương là nguyên nhân dẫn đến các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng được các nước sử dụng nhiều như một công cụ hợp pháp để tăng thuế nhập khẩu và bảo hộ sản xuất trong nước.
Ông Chu Thắng Trung cho biết thêm, đến nay, đã có 132 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Thị trường điều tra nhiều nhất đối với Việt Nam là Hoa Kỳ (25 vụ), Thổ Nhĩ Kỳ (20 vụ) và Ấn Độ (15 vụ). Cùng đó, số vụ việc bị điều tra nhiều nhất là chống bán phá giá với 78 vụ; chống trợ cấp 12 vụ; chống lẩn tránh thuế 17 vụ; tự vệ 25 vụ.
Hơn nữa, xu hướng các vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào kiện chùm, kiện chống lẩn tránh thuế, kiện domino, kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp).
Mặt hàng bị kiện nhiều nhất phải kể đến là sắt thép (chiếm gần 50% số vụ chống bán phá giá và 75% vụ chống trợ cấp); tiếp theo là sợi dệt và nông, thủy sản.
Thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại cho thấy, tính đến tháng 5/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có hơn 400 lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp hiệu lực; trong đó có 10 lệnh liên quan đến Việt Nam.
Không những thế, các nước còn có xu hướng điều tra chống lẩn tránh thuế. Vì vậy, Việt Nam đang phải chịu 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế; trong đó có 16 vụ do nghi ngờ sản phẩm nguồn gốc từ Trung Quốc.
Gần đây nhất, DOC kết luận 2 sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS) của Việt Nam có sự lẩn tránh thuế từ Trung Quốc.
Tiếp đó, ngày 12/6 vừa qua, Hoa Kỳ đã nhận đơn đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với 2 mặt hàng của Việt Nam là thép CORE do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và thép CRS do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Hàn Quốc.
Còn Australia thì điều tra chống bán phá giá với dây thép, thậm chí còn áp dụng điều kiện thị trường đặc biệt - một điều khoản tương đương với việc xác định nền kinh tế phi thị trường.
Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Lý giải thực tế này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, việc chậm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường là nguyên nhân chính khiến cho doanh nghiệp nội có nguy cơ đối mặt với các rào cản thương mại.
Hiện chỉ có 69 nước công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam, trong khi đó các thị trường nhập khẩu lớn hàng hóa của Việt Nam là Hoa Kỳ, châu Âu, Canada, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ… lại không công nhận dẫn đến phương pháp tính biên độ bán phá giá gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Chia sẻ từ các Hiệp hội ngành hàng cũng cho thấy, mặc dù thông tin hàng hóa của Việt Nam đến thị trường nước ngoài còn nhiều hạn chế nhưng giới truyền thông lại liên tục phản ánh hàng hóa Việt Nam có gian lận xuất xứ.
Do đó, các nước đã đặt nghi vấn về việc một lượng lớn hàng hóa của các nước khác di chuyển sang Việt Nam để gian lận xuất xứ, nhằm tận dụng tối đa ưu đãi thuế xuất khẩu.
*Tạo thế vững chãi
Ông James Maeder - quyền Vụ phó phụ trách các hoạt động thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng, Vụ Thực thi và Tuân thủ (DOC) khẳng định: Tất cả các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại hoàn toàn do các doanh nghiệp nội địa trong nước yêu cầu, không phải do các cơ quan điều tra khởi xướng.
Tuy nhiên, nhiều vụ việc doanh nghiệp xuất khẩu đã hoàn toàn chứng minh được sự "trong sạch" và không phải chịu mức thuế phòng vệ thương mại.
Vì vậy, ông James Maeder cho rằng, trước các vụ việc xảy ra, doanh nghiệp xuất khẩu liên quan phải nắm chắc luật pháp quy định của nước điều tra, chủ động nắm bắt tình hình và thực hiện đúng theo yêu cầu thủ tục mà nước sở tại đưa ra.
Theo ông Trần Thanh Hải, phải sau ngày 3/12/2018, theo cam kết WTO, các nước sẽ không còn được mặc nhiên coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường.
Tuy nhiên, trong thời gian này, Bộ Công Thương sẽ chủ động thu thập thông tin liên quan và cùng với tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp làm việc trực tiếp với các tổ chức, các bên liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án ứng phó để đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ sẽ tham mưu để Chính phủ ban hành quy định pháp lý về việc chế tài đối với những doanh nghiệp không phối hợp đầy đủ vào quá trình kháng kiện vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại.
Bởi, việc một quốc gia tiến hành điều tra và áp thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ có nguy cơ dẫn tới các quốc gia khác cũng tiến hành điều tra với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Việt Nam.
Để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại, đồng thời gia tăng khả năng thành công khi tham gia vào các vụ kiện, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh các doanh nghiệp nên tự bảo vệ bằng cách trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại.
Đồng thời, thường xuyên có hoạt động trao đổi thông tin với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước để nắm bắt được những thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường xuất khẩu, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh bị khởi kiện.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam nên củng cố quan hệ với các bạn hàng, đối tác bên phía nước ngoài vì nhóm những đối tác này cũng là một bên có lợi ích bị ảnh hưởng bởi vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Một yếu tố góp phần không nhỏ là các doanh nghiệp cần đa dạng hoá thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hoá sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu.
Đặc biệt, khi vụ việc đã được khởi xướng điều tra, doanh nghiệp xuất khẩu cần tích cực tham gia vào kháng kiện, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để tránh trường hợp cơ quan điều tra sử dụng dữ liệu sẵn có bất lợi để tính toán biên độ phá giá, trợ cấp.
Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp phải cùng hợp tác nhằm xác định chiến lược, lên phương án đối phó cho việc kháng kiện cũng như vận động hành lang để đạt được kết quả tốt nhất./.
Theo BNEWS/TTXVN