Loa phường hiện nay là phương tiện truyền thông thời cổ. Ảnh: Như Ý.
Ọ ẹ, lạo xạo, rọt rẹt - loa phường khởi động bằng chuỗi âm thanh quen thuộc, rồi vào chuyện. Chủ yếu đọc thông tư, nghị định, danh sách nhập ngũ của con em trong phường, nhắc nhở làm vệ sinh, tiêm chủng, phát đôi bản nhạc...
Tiến sĩ Andrew Hardy người Anh là nhà sử học và Việt Nam học, rất thông minh hài hước. Hai chục năm trước, khi chưa làm Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Hà Nội, anh thuê nhà ở phố Cửa Đông. Có lần đi cùng một cô gái, anh bảo tôi bằng thứ tiếng Việt cực chuẩn: “Mỗi ngày loa phường chĩa vào phòng anh hơn tiếng đồng hồ, thế mà nhà thơ trẻ này còn rót vào tai khoảng 5 ngàn từ tiếng Việt trong đó nhiều từ anh không hiểu hết”. Nụ cười tinh quái, Hardy cho biết anh thường nghe loa phường và phát hiện vô số điều thú vị, nhất là loa phát vào ngày lễ lớn.
Được biết, nội thành Hà Nội có khoảng 600 phường, nhiều phường vài chục chiếc loa nên cả thành phố hàng nghìn loa. Như phường Cát Linh, hơn 8 chục loa không dây.
Giờ hỏi các công dân của phường rằng ai thấy loa phường bổ ích, thiết thực, thì đồ rằng khó ai thật lòng khen được. Thế kỷ thông tin, mạng mẽo cập nhật từng giờ từng phút, ti vi mấy trăm kênh phát cả ngày lẫn đêm mà lại phải bồi thêm chiếc loa thủ công, kỹ thuật âm thanh lạc hậu, phát những nội dung tùy hứng, xơ cứng.
Dân phố cổ Hà Nội có tiếng sành ăn sành mặc và cũng khá đáo để, không dễ bắt nạt. Một buổi trưa hè nắng gắt cách nay đã lâu, dừng chân ở phố Hàng Vải nghe loa phường oang oang dội âm thanh khuếch đại khắp cái phố nhỏ xíu này, khiến sự ngột ngạt càng cộng hưởng, tôi nghĩ dân phố cổ hóa ra không ghê gớm như người ta tưởng. Bởi cảnh trường diễn đó không phải ai cũng chịu được, chắc nhiều người sẽ phát điên. Phố phường chật hẹp người đông đúc, thời tiết ngột ngạt, cuộc mưu sinh nhọc nhằn, thế mà người dân còn phải chịu đựng sự tra tấn kéo dài, vô lý, tức tối mà chẳng dám kêu ai, làm gì.
Thực ra, cũng nhiều người dám rồi đấy, trút căm hờn vào chiếc loa. Ném gạch vỡ loa, cắt dây điện, vân vân. Có người kể trên mạng rằng họ leo tọt lên cây cao nơi bắc loa, tinh quái cắt một nửa dây điện rồi lấy băng dính trong băng lại. Kết quả là được yên thân một số ngày bởi không ai phát hiện được nguyên nhân, thay loa không ăn thua, sau phải thay toàn bộ dây điện. Người này truyền kinh nghiệm: Đừng cắt cả dây, cắt cả dây sẽ dễ dàng nối lại!
Chiếc loa phường, không còn nghi ngờ gì nữa, là nguồn ô nhiễm môi trường khủng khiếp, lại còn gián tiếp đẩy công dân vào tình thế phạm tội. Sự tồn tại của nó là bất thường, mà lại thành điều bình thường trong cuộc sống của người dân thủ đô, khát vọng tiệm cận văn minh thế giới.
Người già, trẻ nhỏ, người bệnh, công nhân làm ca kíp đang ngon giấc thì bị loa phường dựng dậy. Cưỡng ép nghe những thông tin họ không quan tâm. Ngày nghỉ, ngày lễ đâu được yên. Sức chịu đựng của con người thật là vô hạn.
Hơn 6 năm trước, mê hồ Tây và hồ Trúc Bạch nên tôi kiếm bằng được căn nhà ven hồ Trúc Bạch, để rồi chả có mấy thời gian đi dạo ven hồ như đã định. Được cái âm thanh loa phường ở đây đỡ khó chịu hơn hẳn quận Hoàn Kiếm, Hai Bà mình từng ở, do nó được không gian rộng thoáng của hồ khuếch tán bớt. Nghĩ thương dân phố cổ chật chội, nhà nọ nhìn sang đường thấy cả giường ngủ nhà kia, với loa phường chõ tận giường. Dù âm thanh loa phường đã được khuếch tán bớt, sự tra tấn giảm đi, song kinh nghiệm của tôi là vẫn cứ phải đóng chặt cửa, phòng loa phường rọt rẹt sáng sớm. Chặt đến nỗi không cho không khí lọt vào để thở nữa. May dạo này sự hoạt động của loa phường bớt hẳn.
Ai từng sống qua thời khắc chiến tranh ở Hà Nội sẽ thấy chiếc loa báo động thân thương thế nào. “Đồng bào chú ý đồng bào chú ý, máy bay địch cách xa (...) km”. Báo động rồi báo yên. Rồi còi ủ phát ra từ Nhà hát Lớn. Nhưng chiến tranh qua đi quá lâu rồi, thời bao cấp lạc hậu cũng xa rồi. Giờ là thời của lựa chọn cá nhân.
Hung tin trên báo chí tháng trước: Hàng loạt nhà đầu tư rút khỏi Việt Nam, một số tập đoàn nêu lý do: môi trường ô nhiễm. Ô nhiễm của khói, bụi, môi trường biển...v..v. Cả âm thanh nữa chứ. Nhiều người nước ngoài nhận xét, Hà Nội là một trong những nơi ồn nhất thế giới. Chúng ta biết rằng ở các nước tiên tiến, ai làm gì chỉ được phép phát ra âm thanh tối đa bao nhiêu đề -xi-ben, nếu quá sẽ bị phạt. Làm ảnh hưởng trầm trọng cuộc sống của người dân mà không hề hấn gì cả, đó là cơ chế loa phường lâu nay. Loa phường, nói vô duyên còn nhẹ. Nó là nỗi ám ảnh, bức xúc, thậm chí uất ức của nhiều người.
Vĩnh biệt loa phường.
Theo Dương Phương Vinh/TPO
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI