"Tôi rất vui mừng là các đồng chí không hề bi quan", Thủ tướng nói như vậy khi làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân vào sáng 12-3.
Mặc dù bày tỏ trăn trở trước sự ảnh hưởng nặng nề của dịch đối với ngành du lịch, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cho rằng các biện pháp của Chính phủ về giảm bớt luồng khách từ nước ngoài là cần thiết bởi "chống được dịch, ổn định tâm lý, có môi trường an toàn thì du khách mới an tâm, mới đi du lịch", theo đại diện Vietravel.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, 12.000 phòng khách sạn và hàng nghìn ''vòng chơi'' ở các sân golf của tập đoàn đều bị hủy đặt trước. Riêng mảng khách sạn của BRG thiệt hại nặng từ cuối tháng 1 đến nay, chưa kể các mảng dịch vụ khác.
Tình trạng này cũng xuất hiện tại các tập đoàn có lĩnh vực dịch vụ, lưu trú, du lịch khác. Đại diện Sun Group cho biết, dịch vụ vui chơi giải trí chiếm 70% doanh thu nhưng hai tháng đầu năm giảm tới 2 triệu lượt khách và có thể con số này lên tới 7 triệu sau nửa đầu năm. Riêng mảng này, Sun Group dự kiến giảm doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ lấp đầy tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn thuộc Sun Group cũng giảm mạnh, chỉ còn 10-20%. Sun Group buộc lùi tiến độ khai trương loạt công trình và phải tạm đóng cửa một số khu vực, dẫn đến thu nhập người lao động ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đại diện hãng hàng không Vietjet cho biết doanh thu đã giảm một nửa trong quý I. Hãng đã thực hiện nhiều giải pháp ứng phó được đưa ra như cơ cấu lại chặng bay, tạm hoãn mở đường bay mới tới Ấn Độ. Trước mắt, Vietjet buộc phải giảm 30% lương nhân viên, giảm giờ lao động và tăng cường các hoạt động trực tuyến.
"Nếu Covid-19 chưa qua mà khủng hoảng kinh tế đã tới thì các doanh nghiệp sẽ hành động, chống đỡ thế nào?", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đặt vấn đề.
Theo ông Bình, doanh nghiệp đang cần chống đại dịch trên ba mặt trận, gồm chống dịch, chống suy thoái doanh nghiệp và thất nghiệp.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa năng lực ứng phó thấp, không nhiều đơn vị chủ động các biện pháp chống dịch, nên tác động của đại dịch này tới sức khoẻ doanh nghiệp càng lớn.
Mặc dù bày tỏ trăn trở trước ảnh hưởng nặng nề của dịch đối với ngành du lịch, nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cho rằng, các biện pháp của Chính phủ về giảm bớt luồng khách từ nước ngoài là cần thiết.
Đại diện Vietravel nhận định, “chống được dịch, ổn định tâm lý, có môi trường an toàn thì du khách mới an tâm, mới đi du lịch”. Đồng thời, sức nén tâm lý trong dịch rất lớn thì sau dịch, cần có biện pháp truyền thông “giải tỏa tâm lý”.
Cùng quan điểm, một số ý kiến của các doanh nghiệp trong ngành du lịch cũng cho rằng, ổn định tâm lý là điều quan trọng, cần chống tâm lý hoang mang, lo lắng bởi cái đáng sợ nhất chính là nỗi sợ hãi.
Bà Hương Trần Kiều Dung - tổng giám đốc Tập đoàn FLC - cho rằng Luật đầu tư chưa có điều nào xếp các dự án du lịch được ưu đãi đầu tư. Do đó, doanh nghiệp này mong được Chính phủ quan tâm, là các dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, có vốn trên 10.000 tỉ đồng.
Còn theo đại diện Vietjet, cần miễn thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay, miễn giảm 50-70% phí dịch vụ hoạt động hàng không. Đại diện của Vingroup thì đề nghị Chính phủ rà soát lại quy định, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để khi dịch chấm dứt, doanh nghiệp "rộng tay, rộng chân hơn để phát triển".
Nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn tập trung nguồn lực sản xuất. Tập đoàn thực phẩm Masan cho biết đang huy động các nhà máy đang chạy hết công suất để bảo đảm cung ứng thực phẩm cho người dân.
Đại diện doanh nghiệp kiến nghị đây là thời điểm thúc đẩy thương mại điện tử, nên sẽ có kế hoạch để nhiều người dân chọn cách thức mua hàng trực tuyến, ngồi tại nhà mua hàng mà không cần trực tiếp đến siêu thị.
Do đó, kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như các giải pháp miễn, giảm, giãn nộp thuế, phí, thúc đẩy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, cơ cấu lại các khoản nợ…
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn THACO Trần Bá Dương cho rằng các địa phương cũng cần mời doanh nghiệp đến lắng nghe ý kiến, hiến kế, vừa về biện pháp chống dịch, vừa về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Bởi theo ông, dù khó khăn nhưng vẫn có cơ hội như ngành nông nghiệp.
Không chỉ kiến nghị sự hỗ trợ, có tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng khẳng định, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Nhà nước, có thể trích bớt lợi nhuận để giảm lãi suất.
Chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh càng khó khăn, càng thử thách lòng người, các doanh nghiệp đã thể hiện bản lĩnh Việt Nam. Chúng ta có sức đề kháng tốt, đã tự đề ra một chương trình hành động cụ thể để có thể vươn ra trong bối cảnh khó khăn, thách thức rất lớn.
"Tôi vừa nói với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng là giảm lãi suất và chúng ta sẽ tiếp tục kích cầu nền kinh tế với những gói phù hợp nhưng luôn luôn nhớ rằng phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô", Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không để kinh tế suy thoái, không để mọi người thất nghiệp, khó khăn.
"Chúng ta sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, giảm chi phí cho doanh nghiệp, kể cả miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn hoãn nợ, cho chậm nộp, kể cả thuế, phí bảo hiểm, đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch bệnh COVID-19", Thủ tướng tuyên bố.
Theo đó, sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều. Đồng thời chuẩn bị một chương trình toàn diện, kỹ càng phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc, đặc biệt những ngành nghề thiệt hại nặng cần tập trung hơn, bao gồm cả chương trình kích cầu.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý nhân dịp này các doanh nghiệp cần tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, đặc biệt là quản trị tốt, ứng dụng công nghệ, tăng cường hợp tác liên kết, chia sẻ rủi ro, thậm chí chia sẻ lợi nhuận.
Chính phủ sẽ cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ứng dụng những dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 để giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho sự phát triển.
Đồng thời cần chú trọng thị trường trong nước gần 100 triệu dân, làm sao bảo đảm nhu yếu phẩm cần thiết, chất lượng tốt, vệ sinh an toàn thực phẩm trong bất cứ hoàn cảnh nào là yêu cầu của Chính phủ đối với doanh nghiệp.