Ông Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trình độ khoa học công nghệ của một quốc gia luôn tương xứng với sự phát triển kinh tế của quốc gia đó. Không có đất nước nào có nền kinh tế phát triển mà khoa học công nghệ lại lạc hậu và ngược lại.
Tại Việt Nam, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhờ đó đã đạt được những thành tựu nhất định. Mặc dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn thách thức trước yêu cầu của thời đại hội nhập quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp đang loay hoay không biết đổi mới như thế nào, lựa chọn công nghệ gì, ứng dụng phương thức sản xuất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của mình. Cũng không ít doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư thay đổi máy móc, thiết bị nhưng năng lực vận hành của lao động hạn chế dẫn đến hiệu quả không đạt như kỳ vọng.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tiếp tục khẳng định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực để tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn tới. Công nghệ thay đổi sẽ tạo ra thị trường mới, minh chứng là các thị trường tín chỉ carbon, thị trường sản phẩm sản xuất xanh… do đó, doanh nghiệp phải xác định được phân khúc thị trường và khách hàng mục tiêu để lựa chọn phương án phù hợp.
Bà Phan Thị Mỹ Yến, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thương hiệu Việt nhấn mạnh, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam là hành trình dài nhiều khó khăn, thách thức khi hầu hết doanh nghiệp có quy mô nhỏ va siêu nhỏ. Hạn chế về thông tin, xu hướng thị trường cũng như năng lực tài chính là rào cản khiến các doanh nghiệp chỉ tập trung vào sản xuất mà chưa chú trọng khâu xây dựng và phát triển thương hiệu.
Trong khi đó, điều kiện đầu tiên tạo nên một thương hiệu trước hết doanh nghiệp phải có sản phẩm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn cho người sử dụng. Muốn có sản phẩm chất lượng doanh nghiệp phải liên tục cập nhật khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho hay, dù chất lượng yến sào Việt Nam hơn hẳn nhiều quốc gia trong khu vực nhưng việc xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ lại chưa đủ mạnh để tăng tính cạnh tranh.
Vì vậy, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã đầu tư, nghiên cứu đúng cách và chuyên sâu, trong đó có ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, tăng hoạt động quảng bá truyền thông… để góp phần giúp Yến sào Khánh Hoà nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ thành nước sản xuất yến sào hàng đầu.
“Trong năm nay, chúng tôi tập trung đẩy mạnh số hóa toàn bộ, chế biến sâu để gia tăng xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc”, ông Hải chia sẻ.
Ngày 18/1, tại TPHCM, Trung tâm Nghiên cứu phát triển Thương hiệu Việt (trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức Lễ vinh danh doanh nghiệp Việt Nam điển hình sáng tạo lần thứ 7 năm 2024. Trung tâm Nghiên cứu phát triển Thương hiệu Việt đã vinh danh Top 50 Doanh nghiệp Việt Nam điển hình sáng tạo năm 2024 và Top 10 Doanh nghiệp sáng tạo xuất sắc năm 2024, tiêu biểu như Công ty Yến Sào Khánh Hòa; Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn; Công ty Minh Long 1; Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông; Công ty Tân Cảng Cái Mép…
Đại diện Ban tổ chức trao cúp vàng vinh danh 10 doanh nghiệp đứng đầu về sáng tạo lần thứ 7 năm 2024.
Đây là những doanh nghiệp đã có những sáng kiến, sáng chế; tích cực đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; đổi mới sáng tạo để cải thiện năng lực cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu thị trường…