Giá vàng có dấu hiệu hạ nhiệt

Giá vàng có dấu hiệu hạ nhiệt

Sau khi tăng sốc lên mốc hơn 49 triệu đồng/lượng, giá vàng sáng nay 25/2 lại quay đầu giảm và nhiều người dân đến các cửa hàng vàng xếp hàng để bán vàng chốt lời.


Tới 14h30' ngày 25/2, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 45,850 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,350 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 45,800 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,820 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tính tới 8h30 sáng 25/2, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 46,60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,60 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 1,2 triệu đồng chiều mua vào và giảm 1,4 triệu đồng chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 46,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,82 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 1,3 triệu đồng ở chiều mua vào và giảm 1,18 triệu đồng bán ra so với cuối phiên giao dịch 24/2.

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu sau đầu giờ sáng nay giảm 1,19 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì đến đầu giờ chiều cũng đã giảm 820.000 đồng/lượng chiều mua vào và 1,22 triệu đồng/lượng chiều bán ra, hiện đứng ở mức 46,20 – 47,50 triệu đồng/lượng.

Đại diện thương hiệu Vàng bạc đá quý DOJI cho biết, tuy vàng tăng mạnh phiên hôm qua nhưng thực tế lượng người bán ít hơn. "Trước biến động giá cả, số lượng người bán vàng SJC ít hơn so với người mua. Sáng nay, lượng người giao dịch mua vào -bán ra bắt đầu giảm đi rõ rệt so với phiên ngày hôm qua".

Trên phố vàng Trần Nhân Tông (Hà Nội) vào sáng nay 25/2, tại các cửa hàng vàng có khá đông người dân giao dịch mua bán. Tuy nhiên, phần lớn là người dân đến bán vàng để chốt lời. Tuy nhiên, trước những biến động trái chiều của giá vàng, nhiều người đang thăm dò thị trường vàng trước khi đưa ra quyết định sẽ bán ra hay mua vào.

Giá vàng thế giới sang phiên châu Á cũng nhanh chóng yếu đi, lùi nhanh về quanh 1.635 USD/ounce, tương đương mất khoảng 20 USD/ounce so với đầu giờ sáng.

Giá vàng thế giới tăng vọt lên đỉnh cao 7 năm do dòng tiền ồ ạt tìm đến mặt hàng kim loại quý trong bối cảnh giới đầu tư trên phạm vi toàn cầu lo ngại đại dịch Covid-19 sẽ nhấn chìm nền kinh tế thế giới.

Trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD cũng tăng mạnh, trong khi giá dầu giảm sâu.

Vàng tăng giá mạnh trong bối cảnh chứng khoán châu Á và châu  u sụt giảm, chứng khoán Mỹ cũng không thoát cảnh bán tháo.

Tai châu Á, thị trường chứng khoán Hàn Quốc dẫn đầu mức giảm điểm sau khi nước này thông báo số ca nhiễm virus Covid-19 tăng mạnh với 8 người tử vong và trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Chứng khoán Hàn Quốc đã giảm mạnh trong phiên giao dịch thứ 3 liên tiếp do dịch Covid-19 bùng phát, trong khi đồng won giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua so với đồng USD. Chỉ số Kospi mất gần 3,9% trong phiên 24/2.

TTCK châu  u nối gót châu Á giảm mạnh. Chứng khoán Ý giảm tới 4,3% sau khi nước này xác nhận trường hợp tử vong thứ 4. Chứng khoán Anh, Đức, Pháp đều giảm trên dưới 3%.

Giới đầu tư tìm đến vàng trong bối cảnh số người tử vong do coronavirus (Covid-19) gia tăng và rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu ngày càng lớn khi mà các nguồn cung ứng toàn cầu của thế giới tại Trung Quốc bị gián đoạn.

Áp lực chốt lời cùng với những nỗ lực của chính phủ nhiều nước kìm hãm đôi chút đà tăng của giá vàng.

Thông tin mới nhất cho biết, Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường phân bổ tài chính để giúp giảm bớt áp lực cho chính quyền các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trung Quốc cũng dự kiến sẽ tiếp tục duy trì các chương trình kích thích tài chính gần đây nhằm ổn định đà tăng trưởng sau khi đã hạ lãi suất và bơm hàng trăm tỷ USD vào các thị trường.

Trung Quốc cũng đã đưa ra các chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp như đảm bảo việc làm cho người lao động thông qua các biện pháp như bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp đào tạo nghề, giảm bớt chi phí tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ...

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục tin tưởng tác động của dịch Covid - 19 đối với Trung Quốc sẽ chỉ là ngắn hạn và hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Tuy nhiên, sức cầu đối với vàng vẫn rất lớn và tình hình bất ổn trên các thị trường tài chính vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm khi mà dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường và được dự đoán sẽ làm suy yếu đà tăng trưởng kinh tế của cả thế giới trong quý 1/2020.

Tại hội nghị G20, các nước đồng thuận với cam kết sử dụng tất cả các công cụ hiện có để đối phó với những nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế nhưng tất cả đều thừa nhận một kịch bản không còn lạc quan đối với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2020.

Dịch Covid-19 lan rộng ra nhiều nước giờ đây đã gây gián đoạn các chuỗi cung ứng ở châu Á, khiến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, hoặc phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc, bị đình trệ. Tác động còn là tới các ngành du lịch, giao thông và bán lẻ ở các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Nhiều dự báo cho rằng, vàng đang có một xu hướng tăng giá rõ ràng và sẽ hướng tới ngưỡng 1.700 USD/ounce. Một số chuyên gia thậm chí còn dự báo vàng sẽ lên đến 2.000 USD/ounce vì các ngân hàng trung ương thế giới tiếp nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang