Home Sharing cuộc chạy đua với khách sạn truyền thống?

Home Sharing cuộc chạy đua với khách sạn truyền thống?

Kinh tế chia sẻ (sharing economy) là mô hình đã phát triển từ rất lâu trên thế giới, tại Việt Nam hình thức này mới chỉ phát triển trong vòng 5 năm trở lại đây nhưng đã mang lại những dấu ấn đáng nể. Phát triển mạnh mẽ nhất phải kể đến loại hình “ride sharing” với những cái tên máu mặt như Grab, Uber, manh nha gần đây có một thuật ngữ đang chuẩn bị “dậy sóng thị trường” đó chính là “home sharing” với gương mặt đại diện là Luxstay.


“Sharing economy” là gì?

Thực tế thuật ngữ này chính là kinh doanh trên các tài sản dư thừa, trong đó mọi người có thể chia sẻ cho nhau dựa trên các nền tảng công nghệ thay vì sử dụng những dịch vụ, sản phẩm hoàn toàn mới. Từ đó, người sở hữu có thể tạo ra những lợi ích hiệu quả, người sử dụng dịch vụ cũng được lợi từ mức giá và có nhiều lựa chọn hơn, nói vui thì đây gọi là mô hình “đôi bên cùng có lợi”.

Điển hình như Uber, khi mới thành lập, cũng đẩy mạnh các thông điệp truyền thông hướng tới việc kinh doanh lúc nhàn rỗi hay là tạo giá trị trên các tài sản dư thừa của người chủ sở hữu. Dựa trên tiêu chí này, Uber đã trở thành một biểu tượng trong ngành kinh tế chia sẻ, vụt lên để chiếm thế thượng phong trong ngành kinh doanh vận tải và là đối thủ “gai mắt” nhất với các hãng taxi truyền thống lúc bấy giờ.

Từ sự phát triển của mô hình này, thật không thể phủ nhận “sharing economy” đã mang lại sự hài lòng cho hàng triệu người. Nhưng không dừng lại ở vận tải, tài sản của con người còn bao gồm nhiều hạng mục khác, giả dụ như bất động sản hay nhà cửa.

homesharing.jpg

Mô mới của nền kinh tế chia sẻ: Home Sharing

Từ trước tới nay, việc tích luỹ tài sản qua bất động sản, nhà cửa vốn chẳng xa lạ gì với chúng ta. Nhu cầu chia sẻ nhà, nơi ở không sử dụng đến để tạo ra những giá trị thặng dư, tránh lãng phí ngày càng rầm rộ. Kết nối với nhu cầu đó, sharing economy đã tạo một bước ngoặt tiếp theo hướng đến kinh doanh lưu trú.

Trên thế giới, Airbnb bao phủ khắp ngõ ngách, còn ở Việt Nam, Luxstay đang từng bước chiếm lĩnh thị trường đặt phòng lưu trú, cho thuê chỗ nghỉ ngắn ngày. Theo Công ty nghiên cứu thị trường AirDNA, tính đến giữa năm 2018, nước ta có khoảng 35.000 chỗ ở dạng homestay, tốc độ tăng trưởng 150% mỗi năm.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc quỹ đầu tư Cyber Agent Venture - nhà đầu tư của Luxstay chia sẻ: “Khi trở thành một nền tảng kinh tế, nghĩa là Luxstay đang tạo ra một sân chơi đóng góp vào sự phát triển cho hệ sinh thái bất động sản, dịch vụ liên quan đến du lịch của Việt Nam. Cụ thể là Luxstay trở thành kênh khai thác, tạo thu nhập cho chủ nhà, những người đầu tư vào bất động sản dài hạn. Điều này sẽ giúp cho ngành bất động sản phát triển bền vững hơn. Ngoài ra, những dịch vụ lưu trú cũng giúp giảm gánh nặng cho ngành khách sạn khi số khách du lịch tăng trưởng nhanh và giúp cho khách nước ngoài có những trải nghiệm văn hoá Việt Nam, gần gũi và hiểu Việt Nam hơn khi trải nghiệm dịch vụ homestay đúng nghĩa khắp mọi nơi trên Việt Nam”.

Cuộc chạy đua với khách sạn truyền thống

Không gian mới lạ, đa dạng, đi đôi với hình thức du lịch mang tính trải nghiệm chính là những nhân tố hàng đầu giúp Homestay cạnh tranh với những khách sạn trung lưu vốn rập khuôn trong dịch vụ. Mức giá phòng qua OTA cũng thấp hơn so với những khách sạn cùng phân khúc. Chỉ từ 700.000 VNĐ du khách đã có thể trải nghiệm không gian sống thoải mái và tiện nghi tương đương với khách sạn 3 sao. Bên cạnh đó, nếu như chi phí phòng trong khách sạn truyền thống thường bao gồm ngầm những dịch vụ kèm theo như hồ bơi, gym, massage… thì chi phí qua các OTA lại giản lược hơn, phù hợp cho những khách hàng chỉ có nhu cầu nghỉ ngơi và ăn uống.

Ngoài ra, nếu như những khách sạn 4 sao trở lên bao lâu nay vẫn là không gian sang trọng, diện tích lớn, phù hợp cho những company trip, team building, thì nay, những homestay cao cấp cũng dần đáp ứng được nhu cầu này.

Một yếu tố nữa khiến những khách sạn truyền thống phải “dè chừng” đó là quản lý chất lượng các phòng cho thuê hiện nay không còn lệ thuộc vào giấy phép của cơ quan chức năng, mà là từ cộng đồng. Sự phát triển của công nghệ đã thay đổi hành vi khách hàng, khiến khách hàng chủ động hơn trong việc tìm kiếm thông tin. Khảo sát vào năm 2017 của Q&Me cho biết, có tới 88% người Việt tra cứu thông tin qua mạng trước chuyến đi. Sức ảnh hưởng từ Internet và mạng xã hội chính là yếu tố khiến OTA dễ dàng thâm nhập thị trường.

Tuy nhiên, khách sạn truyền thống vẫn có lợi thế rất lớn về vấn đề pháp lý.

Sự cạnh tranh gay gắt là một điều chắc chắn xảy ra, nhưng đây cũng là cơ hội để khách sạn truyền thống hoàn thiện dịch vụ, nâng cao quy trình để trụ vững và sinh tồn.

 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang