Nhìn lại hành trình 20 năm Jack Ma đi cùng Alibaba
Nhìn lại hành trình 20 năm Jack Ma đi cùng Alibaba
Sau 20 năm, đế chế của Jack Ma đã lấn sân mảng thanh toán, giao đồ ăn, điện toán đám mây và có vốn hóa hơn 460 tỷ USD.
Sau 20 năm, đế chế của Jack Ma đã lấn sân mảng thanh toán, giao đồ ăn, điện toán đám mây và có vốn hóa hơn 460 tỷ USD.
Đón sinh nhật lần thứ 55 cũng là thời điểm theo kế hoạch Chủ tịch Alibaba Jack Ma sẽ về hưu, chuyển giao cho người kế nhiệm là CEO Danile Zhang.
Sau khi thành lập, Alibaba đã đi từ một công ty thương mại điện tử thuần túy thành một đế chế với hoạt động kinh doanh trải khắp logistics, giao đồ ăn và điện toán đám mây. Vốn hóa hãng này hiện cũng lên hơn 460 tỷ USD.
Dưới đây là những dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử của họ:
Tháng 4/1999: Alibaba thành lập
Alibaba được tạo ra bởi 18 nhà sáng lập, do Jack Ma dẫn dắt. Trụ sở đặt tại căn hộ của Jack Ma ở Hàng Châu. Hiện tại, Alibaba vẫn để trụ sở tại thành phố này. Website đầu tiên của họ có tên Alibaba.com, giao diện bằng tiếng Anh.
Tháng 1/2000: SoftBank đầu tư vào Alibaba
Alibaba đã nhận 20 triệu USD từ một nhóm nhà đầu tư, dẫn đầu bởi đại gia viễn thông Nhật Bản SoftBank. Chính số tiền đó đã giúp họ phát triển.
"Chúng tôi không nói về doanh thu, thậm chí chẳng đề cập đến mô hình kinh doanh", Jack Ma cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal khi đó, "Chúng tôi chỉ nói về một tầm nhìn chung. Cả hai đều quyết định rất nhanh".
Tháng 5/2003: Taobao ra đời
Taobao là nền tảng mua bán online của Alibaba dành cho bên thứ ba. Trong năm tài chính 2015, giá trị số hàng hóa giao dịch trên Taobao đạt 1.590 tỷ nhân dân tệ (gần 224 tỷ USD). Con số này đã tăng gấp đôi trong năm tài chính 2019. Doanh thu từ Taobao rất quan trọng với mảng thương mại điện tử cốt lõi của Alibaba.
Tháng 12/2004: Ra mắt Alipay
Cùng WeChat Pay của Tencent, Alipay là một trong hai nền tảng thanh toán lớn của Trung Quốc dựa trên mã QR. Dù vậy, đây là tài sản gây nhiều tranh cãi trong quá trình phát triển của Alibaba, khiến họ bất đồng với các cổ đông chủ chốt là Yahoo và SoftBank.
Tháng 8/2005: Yahoo trở thành cổ đông lớn nhất
Yahoo rót 1 tỷ USD vào Alibaba để lấy 40% cổ phần công ty. Theo thỏa thuận, Alibaba cũng tiếp quản mảng kinh doanh tại Trung Quốc của Yahoo.
Tháng 11/2007: IPO tại Hong Kong
Alibaba huy động được 13,1 tỷ đôla Hong Kong từ việc niêm yết. Trong phiên giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu của hãng tăng gấp ba so với giá IPO.
Tháng 4/2008: Tmall ra đời
Alibaba từng ra mắt Taobao Mall để vài năm sau tách riêng, đổi tên thành Tmall. Cùng Taobao, Tmall hiện là một trong các nền tảng thương mại điện tử quan trọng nhất với hãng này, xét theo doanh thu.
Tmall là nơi các thương hiệu nước ngoài lập gian hàng online để bán cho khách hàng Trung Quốc. Nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ, hãng đồng hồ và thậm chí Starbucks cũng có mặt trên này.
Tháng 9/2009: Mảng điện toán đám mây ra đời
Điện toán đám mây hiện là mảng tăng trưởng nhanh nhất và đóng góp doanh thu lớn thứ nhì cho Alibaba. CEO Alibaba Daniel Zhang năm ngoái cho biết đây sẽ là "mảng kinh doanh chính" của hãng trong tương lai.
Tháng 11/2009: Lập ra sự kiện mua sắm Lễ Độc thân
Lễ Độc thân ngày 11/11 là sự kiện mua sắm lớn nhất trong năm tại Trung Quốc, do Zhang khởi xướng. Trong ngày này, các hãng bán lẻ sẽ đồng loạt giảm giá mạnh tay để kích cầu. Giá trị số hàng hóa giao dịch trên các nền tảng của Alibaba ngày này đạt 7,8 triệu USD năm 2009. Năm ngoái, con số này đã lên tới 30,8 tỷ USD.
Tháng 5/2011: Alipay gây tranh cãi
Alibaba bán quyền sở hữu Alipay cho một nhóm dẫn đầu bởi Jack Ma. Họ cho biết quy định của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc là công ty thanh toán online của bên thứ ba cần các loại giấy phép đặc biệt.
Dù vậy, Yahoo sau đó cho rằng họ không được thông báo về việc bán Alipay. Còn Alibaba phủ nhận thông tin này. Cuối cùng, Yahoo, SoftBank và Alibaba thống nhất Alibaba sẽ được nhận ít nhất 2 tỷ USD, nhiều nhất 6 tỷ USD nếu Alipay niêm yết. Alipay cũng sẽ phải trả phí để được tiếp tục sử dụng trên Taobao.
Tháng 6/2012: Rút niêm yết trên sàn Hong Kong
Alibaba đã trả 2,45 tỷ USD để mua lại 27% cổ phần của Alibaba và rút niêm yết sau 5 năm giao dịch trên sàn chứng khoán Hong Kong. Jack Ma khi đó cho biết việc này sẽ giúp họ "đưa ra các quyết định dài hạn có lợi nhất cho khách hàng, đồng thời giúp Alibaba không phải chịu sức ép của một công ty đại chúng".
Tháng 9/2012: Alibaba mua lại cổ phần của Yahoo
Alibaba chi 7,6 tỷ USD mua một nửa trong số 40% cổ phần Yahoo đang nắm giữ. Yahoo nhận 6,3 tỷ USD tiền mặt và 800 triệu USD cổ phiếu ưu đãi của Alibaba.
Tháng 9/2014: IPO tại Mỹ
Alibaba niêm yết trên Sàn chứng khoán New York, huy động được 25 tỷ USD – lớn nhất thế giới thời đó. Đến nay, mã này đã tăng hơn 150% so với giá niêm yết 68 USD.
Tháng 10/2014: Thành lập Ant Financial
Sau khi tách riêng Alipay, Ant Financial được thành lập, cho thấy Alibaba không chỉ muốn lấn sân thanh toán, mà còn nhiều dịch vụ tài chính khác. Ant Financial hiện là công ty fintech lớn nhất Trung Quốc, được định giá khoảng 150 tỷ USD.
Tháng 8/2015: Đầu tư vào Suning
Alibaba đã đổ 28,3 tỷ nhân dân tệ vào hãng bán lẻ đồ điện tử Suning. Trước đó, họ cũng đổ tiền vào chuỗi trung tâm thương mại Intime.
Những động thái này cho thấy Alibaba muốn thúc đẩy chiến lược "bán lẻ mới" – kết hợp mảng kinh doanh online với các cửa hàng truyền thống. Mục tiêu của họ là tạo ra một hệ sinh thái bao gồm mảng thương mại điện tử, thanh toán, giao nhận đồ ăn và các mảng khác nữa.
Tháng 4/2016: Bắt đầu quốc tế hóa
Từ khi thành lập, Alibaba tập trung phục vụ thị trường trong nước. Tuy nhiên, năm 2016, họ mua cổ phần kiểm soát trong hãng thương mại điện tử Lazada. Đây là bước tiến lớn của Alibaba trong việc tiến ra thị trường quốc tế.
Tháng 2/2018: Alibaba mua cổ phần Ant Financial
Alibaba mua 33% cổ phần Ant Financial, nhờ một điều khoản từ năm 2014 khi Ant mới thành lập. Gần đây, nhiều người đồn đoán Ant Financial đang chuẩn bị IPO, dù công ty chưa có thông báo chính thức.
Tháng 9/2018: Thông báo kế hoạch nghỉ hưu của Jack Ma
Alibaba thông báo Jack Ma sẽ rời chức chủ tịch vào ngày 10/9/2019. Dù trao chức Chủ tịch Alibaba cho CEO Danile Zhang, nhưng Jack Ma vẫn nắm quyền lực nhất định và nằm trong hội đồng quản trị. Theo đó, Jack Ma sẽ là đối tác trọn đời của Alibaba Partnership và có quyền bổ nhiệm hầu hết các vị trí nhân sự quan trọng của Alibaba mặc dù ông không nắm giữ đa số cổ phần.
Kế hoạch từ chức do ông Ma công bố năm ngoái được cho là không bình thường, vì rất hiếm khi người sáng lập một công ty công nghệ lớn và năng động như vậy lại nghỉ hưu sớm như ông.
Dưới sự lãnh đạo của Ma, Alibaba đã phát triển để trở thành công ty niêm yết có giá trị nhất châu Á, với mức vốn hóa thị trường hiện tại là 460 tỷ USD. Công ty sử dụng hơn 100.000 người, và đã mở rộng sang các dịch vụ tài chính, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.
Khi ông Ma phát biểu chia tay, các nhà đầu tư muốn nghe ông sẽ tham gia quản lý như thế nào và liệu có tiếp tục chỉ đạo chiến lược rộng lớn của công ty hay không. Ma đã nói rằng ông vẫn sẽ tiếp tục cố vấn quản lý cho Alibaba.
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI