Tình hình Starbucks ở Việt Nam
Có mặt tại Việt Nam từ năm 2013, đến nay Starbucks vừa mới khai trương cửa hàng thứ 29 ở Hải Phòng vào cuối tháng 7/2017.
Vào tháng 4, Starbucks cũng đã khai trương cửa hàng Reserve Bar đầu tiên tại Hà Nội cũng như ở Việt Nam.
Khi Starbucks mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM vào đầu năm 2013, Giám đốc Phát triển Starbucks tại các khu vực Trung Quốc và Châu Á Thái Bình Dương, John Culver tuyên bố rằng: “Chúng tôi sẽ tích cực phát triển ở Việt Nam”.
Hai năm sau đó, tại thị trường Việt Nam, Starbucks chỉ mở được khoảng 10 quán và đến tháng 7/2017 thì con số như đã nói ở trên là 29 quán, tập trung chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội.
So sánh với các nước láng giềng như Thái Lan 198 cửa hàng Starbucks, Malaysia 190 cửa hàng Starbucks, hoặc Indonesia có hơn 147 quán Starbucks thì có vẻ như Starbucks tại Việt Nam đi... hơi chậm?
Với mức giá như hiện nay, Starbucks được người tiêu dùng định vị là thương hiệu cà phê "sang chảnh" tại một thị trường được đánh giá là có sự cạnh tranh gay gắt.
Như chuỗi cà phê nổi tiếng đến từ Úc là Gloria Jean’s Coffees vài tháng trước đã "nói lời chia tay” với thị trường Việt Nam, sau hơn 10 năm gia nhập. Cùng số phận với Gloria Jean’s Coffees là New York Dessert Café (NYDC), chuỗi cà phê và bánh ngọt đến từ Singapore, cũng đã lần lượt đóng hết cửa hàng của mình tại Việt Nam.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của các chuỗi cà phê "sang chảnh" nói trên được cho là do sự cạnh tranh quá khốc liệt của các đối thủ như The Coffee House, Urban Station, Phuc Long, Trung Nguyen, Highlands và cả Starbucks.
Hy vọng từ thị trường châu Á
Kinh doanh của công ty đang phát triển nhanh hơn nhiều tại Trung Quốc và các nước châu Á khác khi so sánh với thị trường Mỹ, với mức doanh thu tăng 54% trong quý 1/2018 so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo thu nhập mới nhất của Starbucks. Trong khi đó, tại Mỹ, Canada và khu vực Mỹ Latin doanh thu chỉ tăng 8%.
Theo CNN, Starbucks mới đây công bố kế hoạch mở gần gấp đôi số cửa hàng cà phê mới ở Trung Quốc, dự kiến sẽ tăng từ 3.300 cửa hàng hiện tại lên 6.000 cửa hàng trước khi kết thúc năm 2022. Điều đó có nghĩa là trung bình cứ mỗi năm lại có thêm khoảng 600 cửa hàng Starbucks mới tại quốc gia châu Á, tăng đáng kể so với mục tiêu khoảng 500 cửa hàng được công ty đưa ra trước đó.
Giám đốc điều hành (CEO) Starbucks Kevin Johnson cho biết các kết quả trên là minh chứng đáng khích lệ rằng kế hoạch của Starbucks đang có hiệu quả.
Số lượng khách hàng trung thành của Starbucks tăng 15% trong quý kết thúc vào tháng 9/2018 lên 15,3 triệu người.
Starbucks đạt lợi nhuận ròng 755,8 triệu USD trên doanh thu 6,3 tỷ USD trong quý kết thúc vào tháng 9/2018.
Starbucks đang đẩy mạnh việc mở thêm cửa hàng tại châu Á nhằm cải thiện doanh số bán hàng, và lên kế hoạch mở 2.100 cửa hàng mới trong năm 2019, trong đó hơn một nửa số này là tại châu Á.