Báo cáo GCI đánh giá Việt Nam là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu, nằm trong khu vực Châu Á, Thái Bình Dương có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới. Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng với những biến chuyển trong lối sống, thu nhập và hành vi người tiêu dùng. Tần suất mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam tại cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, mô hình cửa hàng giá rẻ và đồng giá đang tăng lên nhanh chóng, trong khi lại giảm sút mạnh với chợ truyền thống.
Tham dự Hội nghị có Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia tư vấn thương hiệu PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, cùng khoảng 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ quan truyền thông báo chí.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Võ Trí Thành cho biết, Việt Nam là thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng, hấp dẫn nhờ đặc điểm kết cấu dân số trẻ, năng động. Thói quen của người tiêu dùng Việt Nam đang dần thay đổi, người tiêu dùng bắt đầu có xu hướng mua hàng trực tuyến, thay vì chỉ đến các cửa hàng mua đồ.
Theo TS. Võ Trí Thành, hiện tại, phần lớn giới trẻ đều đã thích nghi với việc mua hàng trực tuyến. Vì vậy, các doanh nghiệp có thể sàng lọc, tiếp cận khách hàng tiềm năng thông qua các dịch vụ như giao đồ ăn nhanh, dịch vụ thuê nhà, đặt chỗ khám bệnh, mua sắm online…
“Các doanh nghiệp nên tận dụng tối đa khả năng của truyền thông và nền tảng của Social Media để xây dựng và quảng bá thương hiệu. Hơn 50% dân số truy cập Internet di động, mạng xã hội là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp trong việc quảng bá sản phẩm tại Việt Nam”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phân tích.
Nhận định về tiềm năng phát triển thị trường, Giám đốc Khu vực miền Bắc thuộc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Đặng Thúy Hà cho rằng, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP ổn định, thuộc top đầu trong khối ASEAN. Bên cạnh đó, kết cấu dân số Việt Nam đang ở mức trẻ, có khả năng tiếp cận Internet nhanh, người tiêu dùng Việt Nam có hứng thú trải nghiệm với những sản phẩm mới. Điều này góp phần thúc đẩy các thương hiệu mới phát triển.
"Điều quan trọng nhất, tỷ lệ người tiêu dùng Việt sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm chất lượng cao chiếm đến gần 26% thị phần nhóm hàng tiêu dùng nhanh… Những điều này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp có thể thích ứng với những thay đổi của thị trường và bắt kịp các xu hướng mới", bà Đặng Thúy Hà nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đưa ra ý kiến rằng, xu hướng thương mại điện tử đang thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng tại nhiều ngành hàng, từ nông thôn đến thành thị. Tuy nhiên, người Việt cũng lo ngại về các yếu tố chất lượng sản phẩm, thanh toán an toàn trong quá trình mua sắm trực tuyến. Vì vậy, để có được lòng tin với khách hàng và thị trường bền vững, doanh nghiệp phải cam kết mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng. Đồng thời, không chỉ về mặt chất lượng, doanh nghiệp cũng nên chú ý đến nội dung khi quảng bá, quảng cáo thương hiệu. Đặc biệt, cần phải tôn trọng đạo đức kinh doanh và tạo ra bản sắc riêng.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) Bùi Huy Hoàng, thị trường Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng. Các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt hiện đang đứng trước cơ hội chuyển mình từ cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 và những lợi ích to lớn của xu thế hội nhập toàn cầu. Song, thương mại điện tử tại Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại, cũng như thách thức trong phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Huy Hoàng cho biết thêm: Theo báo cáo tại Sách trắng Thương mại điện tử 2018 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phát hành, năm 2018 toàn ngành thương mại điện tử B2C Việt Nam đạt quy mô 8,06 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng là 30% so với năm 2017, bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành thương mại điện tử ở Việt Nam khi mà các hoạt động kinh doanh, giao dịch trực tuyến bằng công nghệ hiện đại đang dần thay thế các hình thức mua bán truyền thống.
Để tận dụng tối đa tiềm năng phát triển của thương mại điện tử, ông Bùi Huy Hoàng nhận thấy, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, địa phương và trực tiếp chính là những doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối cũng như doanh nghiệp công nghệ); cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cũng như cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng logistic; chú trọng hơn nữa vai trò “đòn bẩy” của Nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trợ hỗ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Giám đốc Thương mại - Đại diện Công ty Kantar Nguyễn Huy Hoàng cũng cho rằng, không chỉ nên chú trọng vào việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp còn phải có những thay đổi tự thân. Cụ thể, doanh nghiệp Việt cần sớm nắm bắt thông tin đa chiều về sự thay đổi trong khuynh hướng tiêu dùng tại Việt Nam, cần chủ động thay đổi tư duy, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực quản trị doanh nghiệp và tìm cách khắc phục những hạn chế, để có chỗ đứng vững chắc, không để bị thua trên "sân nhà".
Còn ông Nguyễn Xuân Vinh - Giám đốc Công ty Food Hub chia sẻ: Nếu như mười năm trước, đại đa số người tiêu dùng sẽ lựa chọn mua thực phẩm ở chợ truyền thống, thì hiện nay con số này chỉ chiếm khoảng 35% vì sự tiện lợi và đa dạng của thực phẩm, dễ chọn, dễ mua, giá cả phù hợp. Với sự ra đời của các đại siêu thị, sự phổ cập của các siêu thị mini và chuỗi cửa hàng, người tiêu dùng đã thay đổi hoàn toàn hành vi mua sắm.
Từ các bài tham luận của các chuyên gia, Hội nghị cũng đã kết luận và đưa ra một số giải pháp mang tính khái quát để có thể định hình xu hướng phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới như: Hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển thương mại điện tử; Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin; Hạ tầng Logistic; Và cuối cùng là Giải pháp về thị trường bao gồm Nhận thức và đào tạo, Hỗ trợ doanh nghiệp phân phối hàng hóa trong và ngoài nước.
Tuy nhiên để thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh chóng và bền vững cần có sự đồng hành của tất cả các bên từ Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự chủ động của chính các doanh nghiệp trong nền kinh tế khi mạnh dạn áp dụng các loại hình công nghệ mới, phương thức thương mại mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.