Cụ thể, Shopee đã lần đầu vươn lên vị trí số một ở chỉ số lượt truy cập website mỗi tháng tại Việt Nam với trung bình hơn 34,5 triệu lượt trong 3 tháng vừa qua. Nền tảng này cũng đứng đầu ở chỉ số xếp hạng ứng dụng di động trên cả 2 hệ điều hành Android và iOS.
Lazada tuy đã tuột mất vị trí số một nhưng vẫn bám sát Shopee với hơn 30,2 triệu lượt truy cập mỗi tháng trong quý III.
Các vị trí còn lại trong top 5 website được truy cập nhiều nhất lần lượt thuộc về Tiki với hơn 29,4 triệu lượt, Sendo hơn 20,7 triệu, Adayroi hơn 5,3 triệu.
Thực tế cũng cho thấy 4 sàn mua sắm trực tuyến Tiki, Sendo, Adayroi đều được chống lưng bởi các quỹ ngoại có tiềm lực tài chính cũng như kinh nghiệm dồi dào về công nghệ nói riêng và thương mại điện tử nói chung nên luôn đạt được ít nhất 20 triệu lượt truy cập mỗi tháng trở lên, chỉ duy nhất Adayroi thuộc Vingroup không được hậu thuẫn bởi dòng vốn ngoại nên có phần yếu thế hơn các sàn mua sắm khác.
Tuy nhiên, Shopee sẽ phải cố gắng hơn nữa để giữ vững vị trí số 1 trong bảng xếp hạng. Vì 3 tháng sắp tới là thời điểm cuối năm, là cơ hội “vàng” để các sàn thương mại điện tử đưa ra những chương trình khuyến mãi, giảm giá đặc biệt để kích cầu mua sắm trực tuyến.
Các dự báo cũng cho biết thị trường thương mại điện tử nước ta có thể đạt quy mô đến 10 tỷ đô la Mỹ vào năm 2022.
Việc Shopee bức phá lên ngôi dẫn đầu cho thấy thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đang có sự cạnh tranh rất quyết liệt để hòng giành lấy thị trường. Sự cạnh tranh này về cơ bản sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường thương mại điện tử ở nước ta. Hơn nữa, còn đem nhiều quyền lợi đến cho người tiêu dùng và tạo động lực để mua sắm hơn.